Trong đó, 102 nhà bị ngập, 5 nhà bị sạt lở taluy và 1 nhà bị tốc mái. Diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại 16,22 ha; 3 con trâu bò bị chết và 0,16 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Cùng với đó, tại xã Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên đã xảy ra sạt lở taluy âm với chiều dài 40m; taluy dương dài 20m; đường bê tông 1m bị xói mòn hư hỏng 50m; ngầm tràn bị đá vùi lấp nước dâng tràn qua đường nhân dân không đi lại được; Công trình thủy lợi Làng Than sạt taluy âm dài 10m.
Tại huyện Văn Chấn, mưa lớn đã gây ra sạt lở một số tuyến đường giao thông liên thôn, bản tại các xã: Chấn Thịnh, Minh An, Đại Lịch, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, Sơn Lương, Sùng Đô, An Lương; ngập úng cục bộ tuyến Quốc lộ 37 (đoạn Cầu gỗ, Thượng Bằng La đến dốc đỏ, Nông trường Trần Phú); đoạn ngã ba Mỵ, Tân Thịnh. Tuyến đường liên thôn tổ dân phố 7 đi tổ dân phố 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú bị sạt lở khoảng 1700m3 đất đá, hiện tại ô tô không thể lưu thông qua được; sạt bờ kè Chợ Mỵ Tân Thịnh khoảng 120m, làm nghiêng 25 kiốt bán hàng và ngập hàng hóa... Ước tính do mưa lớn gây thiệt hại tại hai huyện Văn Yên và Văn Chấn khoảng 600 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Chấn và Văn Yên đã kiểm tra và chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thống kê thiệt hại; huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Trước đó, từ tối 11/9 đến rạng sáng 12/9, nhiều khu vực tại tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, ngập úng một số tuyến đường giao thông; thiệt hại một số diện tích cây trồng, ao cá, nhà cửa và tài sản của nhân dân.