Thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2023 của tỉnh Hưng Yên đến các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn cho biết, trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,61%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Dự kiến, cả năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra (mục tiêu tăng 9%); tổng thu ngân sách đến ngày 30/9 đạt 24.119 tỷ đồng, vượt dự toán giao đầu năm; chi ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 11.085 tỷ đồng, đạt 55,94% kế hoạch.
Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 6,07% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh bùng phát đối với cây trồng và vật nuôi; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.841 tỷ đồng, tăng 20,02% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65,89% kế hoạch…
Ông Trần Quốc Văn khẳng định, những thành tích đã đạt được là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, phản ánh kịp thời và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến lãnh đạo lãnh đạo các cấp và được giải quyết hiệu quả.
Để hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đi vào chiều sâu, phát huy được vai trò quan trọng của Hiệp hội đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị, Hiệp hội phải bám sát với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương, tăng cường vận động các doanh nghiệp lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia và tạo ra sân chơi lành mạnh, có lợi cho các doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tăng cường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các Hiệp hội ngành của Trung ương và các Hiệp hội các tỉnh, thành phố trên cả nước để tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhằm vận động các doanh nghiệp toàn tỉnh đổi mới, thay đổi tư duy, tham gia vào các chuỗi sản xuất để đón các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hoạt động của các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam vừa ký kết; đồng thời, phát huy vai trò cầu nối, là tiếng nói của doanh nghiệp với các cấp chính quyền; chỉ đạo các Hội doanh nghiệp các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên, liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời kiến nghị, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc lên các cấp ủy, chính quyền...
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ) Phạm Tấn Công khẳng định, Hưng Yên đang chuyển mình, thức giấc, kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách Nhà nước; tuân thủ pháp luật, đảm bảo sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp.
"Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với phương châm “Thuận lợi, an toàn, văn minh và bình đẳng”, để doanh nhân thực sự trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân, tăng số lượng hội viên để Hiệp hội thực sự trở thành “mái nhà chung” của các doanh nhân", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chia sẻ về môi trường đầu tư của tỉnh Hưng Yên đến các doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hưng Yên có tiềm năng rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư với những yếu tố đặc thù như vị trí địa lý thuận lợi, nằm trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng đang phát triển rất nhanh và liền kề với thủ đô Hà Nội; hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông vận tải thương mại, dịch vụ, logistics, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài, cảng quốc tế Hải Phòng và các trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp lớn của cả nước; Hưng Yên có lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề cao, cần cù, thông minh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hưng Yên có sự đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt kết quả tích cực, chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2021.
“Việc kiến tạo môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, hiệu quả và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cùng với sự cam kết đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã giúp Hưng Yên thu hút được đông đảo các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hiện có trên 1.400 hội viên, những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; uy tín và những đóng góp của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 16.000 doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 21,6 nghìn tỷ đồng. Hằng năm, các doanh nghiệp đóng góp hơn 80% số thu ngân sách của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.
Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành nhằm đưa chính sách, pháp luật đi vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp; phổ biến và triển khai thực hiện các quy định mới của nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các chính sách kích thích phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đồng thời, phát hiện những vấn đề trong thực tế ảnh hưởng đến hiệu lực thực hiện các chính sách, pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị, phản ánh với các cấp chính quyền để có biện pháp giải quyết...