Hướng đến giảm nghèo bền vững vùng núi Quảng Ngãi

Ngày 8/1, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Chú thích ảnh
Hộ cận nghèo thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nhận bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Quảng Ngãi hiện có 5 huyện miền núi, trong đó có 2 huyện nghèo là Trà Bồng, Sơn Tây. Chỉ thị số 34-CT/TU nhằm huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; xác định xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo bứt phá về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
 
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ người dân miền núi thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
 
Tỉnh đổi mới biện pháp, cách thức hỗ trợ hộ nghèo theo hướng giảm "cho không"; rà soát điều chỉnh các chính sách mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho các đối tượng có ý chí, khát vọng và chủ động vươn lên thoát nghèo; rà soát, đánh giá, phân loại chuẩn xác hộ nghèo, hộ cận nghèo để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở miền núi, Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững ở cấp huyện, xã. Tỉnh tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc áp dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới trong phát triển sản xuất phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí ở các huyện miền núi, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động được tỉnh chú trọng, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện để lao động sau học nghề được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; tập trung thực hiện hiệu quả "Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)", trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
 
Quảng Ngãi xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất, tạo sinh kế và văn hóa - xã hội để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, Quảng Ngãi có 94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hai huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện miền núi Quảng Ngãi hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long đã được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 7,8%, đến cuối năm giảm xuống còn 6,2%, vượt 0,46% so với kế hoạch. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ổn định.

Phạm Cường (TTXVN)
Hơn 73 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững tại Trà Vinh
Hơn 73 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững tại Trà Vinh

Năm 2024, tỉnh Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn hơn 73 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 64 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng số tiền còn lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN