Huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 8/6/2022, công nhận huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đạt chuẩn nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Những năm gần đây, nông dân trong huyện Cát Tiên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành vườn cây ăn trái cho thu nhập cao. Ảnh: baolamdong.vn

Cát Tiên là huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 43% trong cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao là chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020).

Huyện đang hình thành 12 chuỗi liên kết về sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, sản xuất cây mía, cây dâu tằm, cây dược liệu diệp hạ châu… Toàn huyện có 2.439 ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm 12% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Chính quyền huyện Cát Tiên định hướng xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để sản xuất sản phẩm sạch theo nhu cầu thị trường.

Lúa là cây trồng chủ lực ở Cát Tiên với trên 2.229 ha ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2013, huyện đã sử dụng thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” để đưa sản phẩm lúa gạo trở thành nguồn hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, tăng thu nhập của nông dân trên một đơn vị canh tác. Sản phẩm lúa gạo mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… với sản lượng liên kết tiêu thụ lúa giống đạt 1.930 tấn, gạo 5.200 tấn.

Tới thời điểm này, địa bàn huyện Cát Tiên có 100% xã đạt và giữ vững danh hiệu nông thôn mới; trong đó, xã Đức Phổ được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và tiệm cận nông thôn mới kiểu mẫu, xã Gia Viễn đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường. Ngoài ra, hai xã Tiên Hoàng và Quảng Ngãi đạt tiệm cận xã nông thôn mới nâng cao.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã (96,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 6 xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, toàn tỉnh có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh và Cát Tiên; hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Lâm Hà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình nông thôn mới bằng nguồn ngân sách tỉnh là 150 tỷ đồng. Các địa phương phân bổ vốn đến các xã để triển khai thực hiện theo quy định và đã giải ngân 25,9 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch...

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Công nhận huyện Mê Linh (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới
Công nhận huyện Mê Linh (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN