Dự án chậm tiến độ
Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Púng Bánh là một trong 15 dự án của cả nước được đầu tư theo Quyết định số 1912/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án nhằm phát huy lực lượng thanh niên, nòng cốt là lực lượng thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; đồng thời tạo môi trường thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ bổ sung cho các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng biên giới.
Dự án do tỉnh Đoàn Sơn La làm chủ đầu tư, diện tích quy hoạch trên 1.400 ha, tổng mức đầu tư 45,5 tỷ đồng. Danh mục hạ tầng đầu tư gồm 3,3 km đường giao thông nông thôn, nhà Ban Quản lý, nhà văn hóa, trường mầm non, hệ thống điện, nước sinh hoạt; khả năng dung nạp 100 hộ thanh niên.
Dự án được triển khai từ năm 2014, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành và đón 100 hộ đoàn viên, thanh niên vào sinh sống. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới hoàn thành một số hạng mục chính và chỉ tiếp nhận được 25 hộ thanh niên đến ở, gây không ít khó khăn cho các đoàn viên, thanh niên đăng kí đến sinh sống tại làng.
Anh Tòng Văn Thu ở bản Lầu, xã Púng Bánh, là một trong những thanh niên đầu tiên đăng kí đến lập nghiệp ở Làng thanh niên từ năm 2014. Đến nay, anh 35 tuổi, đã quá tuổi thanh niên nhưng mong muốn được ở và xây dựng cuộc sống mới tại Làng Thanh niên lập nghiệp vẫn chưa thành hiện thực.
Anh Tòng Văn Thu chia sẻ, anh đã xung phong đi đầu đăng ký vào Làng Thanh niên lập nghiệp, với mong muốn đến nơi ở mới sẽ ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đến nay Ban Quản lý dự án đã tuyển đợt 1 nhưng anh vẫn chưa được vào. Anh lo lắng với độ tuổi của mình không biết có còn thuộc diện được vào Làng Thanh niên lập nghiệp nữa hay không.
Theo chính quyền địa phương, một trong những nguyên nhân của việc chậm tiến độ tại Làng Thanh niên lập nghiệp Púng Bánh là do thiếu kinh phí trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Hạng mục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được Ban Quản lý dự án Làng Thanh niên lập Púng Bánh phối hợp cùng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Sốp Cộp thực hiện. Trong đó, diện tích đất thu hồi là trên 87.000 m2, kinh phí bồi thường, hỗ trợ 5,8 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị thi công mới thực hiện san ủi được 70 nền nhà, còn 30 nền nhà chưa được giải phóng mặt bằng.
Ông Vũ Triệu Phú, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sốp Cộp cho biết, trong quá trình giải phóng mặt bằng, đơn vị thực hiện đã gặp khó khăn do chưa có kinh phí để giải ngân, thanh toán tiền bồi thường. Đến nay, hơn 8.600 m2 đất chưa được thu hồi do thiếu chi phí đền bù là hơn 1,3 tỷ đồng. Huyện Sốp Cộp đã kiến nghị tỉnh Sơn La sớm bổ sung kinh phí để chủ đầu tư dự án chuyển cho đơn vị thực hiện bồi thường.
Cần sớm khắc phục những bất cập
Tháng 7/2020, những hộ dân đầu tiên đã được cấp đất ở tại Làng Thanh niên lập nghiệp Púng Bánh để dựng nhà. Tuy nhiên, khi các hộ dân bắt đầu chuyển vào đây sinh sống thì phát sinh một số bất cập.
Anh Vì Văn Dẫn, Bí thư Chi đoàn bản Lầu là một trong 25 người may mắn được xét duyệt hồ sơ chuyển vào Làng Thanh niên lập nghiệp ngay từ đợt 1. Tuy nhiên, niềm vui đó chẳng được bao lâu khi ngôi nhà anh vừa dựng lên có nguy cơ bị san phẳng bất cứ lúc nào. Anh Vì Văn Dẫn cho biết, sau khi dựng nhà được khoảng một tháng, phía trên quả đồi sau nhà anh xuất hiện vết nứt dài. Khi trời mưa, đất đá từ trên đồi đã sạt vào nền nhà của gia đình anh. Không những thế, trên tuyến đường chính của Làng Thanh niên lập nghiệp đi qua khu vực gia đình anh, nhiều vị trí cũng bị sạt taluy âm dẫn đến đường bê tông bị nứt, lún sâu, xe ô tô không thể đi qua được. Do sạt đường, sạt núi, gia đình anh không dám ở mà phải di chuyển đến nơi khác.
Đến nay, chỉ có gần 20 hộ dựng nhà, các hộ còn lại do nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nên không tiếp tục xây dựng. Bên cạnh đó, các hộ dân đã xây dựng nhà tại Làng Thanh niên lập nghiệp lại đối mặt với khó khăn do chưa có điện lưới và nước sinh hoạt để sử dụng.
Anh Quàng Văn Phấn, bản Phải, xã Púng Bánh, cho biết gia đình anh đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 tại vị trí được cấp đất, sau gần hai tháng chuyển vào ở nhưng vẫn chưa thể ổn định cuộc sống vì thiếu những điều kiện thiết yếu. Hiện nay, gia đình anh phải quay về bản cũ để lấy nước sinh hoạt; sử dụng nguồn điện từ máy phát điện chạy bằng sức nước để thắp sáng.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Púng Bánh Nguyễn Duy Dũng, trong quá trình thực hiện dự án có một số vướng mắc liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của thiên tai.
Với những khó khăn, bất cập phát sinh, Ban Quản lý dự án đã tiếp thu ý kiến của nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên được thụ hưởng. Đối với các hộ gia đình trong vùng bị sạt lở, đơn vị sẽ tiến hành bốc thăm và phân chia nơi ở mới, kiên quyết không để bà con dựng nhà ở khu vực sạt trượt.
Đối với các điều kiện về điện, nước sinh hoạt, đơn vị chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu thi công tiếp tục hoàn thành các thủ tục liên quan để đấu nối vào hệ thống chung. Hiện nay, hệ thống đường điện và đường ống nước đã được kéo về Làng Thanh niên lập nghiệp chờ đấu nối. Với công trình đường giao thông bị hư hỏng, đơn vị cũng đã đề nghị nhà thầu hoàn thiện, khắc phục sửa chữa.
Sau khi khắc phục xong những bất cập, dự kiến trong quý IV/2020, tỉnh Đoàn Sơn La tiếp tục tổ chức tuyển thanh niên vào Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Púng Bánh đợt 2 với khoảng 30 đoàn viên, thanh niên.
Cùng với đó, để đảm bảo các mục tiêu ban đầu của dự án đề ra được thực hiện hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Sơn La đã có tờ trình đề nghị Trung ương Đoàn tiếp tục kéo dài dự án sang năm 2021; hoàn thiện các nội dung còn lại như tiếp tục bố trí di giãn dân, thực hiện các hạng mục hỗ trợ sản xuất cho đoàn viên, thanh niên; phấn đấu trong quý II/2021 sẽ hoàn thành tất cả hạng mục dự án.