Huyện Bảo Yên có 16 xã và 1 thị trấn, với 207 thôn, bản, tổ dân phố. Nơi đây có địa hình phức tạp, dân cư sống theo từng cụm và rải rác.
Toàn huyện có 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 23,77%; dân tộc Tày chiếm 33,84%; dân tộc Mông chiếm 12,54%, dân tộc Dao chiếm 24,47%; còn lại là các dân tộc ít người khác chiếm 5,%.
Những năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển, đời sống của người dân nâng lên, nhưng với đặc thù địa bàn rộng, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, thiếu việc làm… nên thu nhập của người dân chưa thực sự ổn định, tiềm ẩn nguy cơ nghèo, tái nghèo. Năm 2023, huyện vẫn còn 1.708 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,01%; số hộ cận nghèo còn 1.314 hộ, chiếm 6,16%.
Trước thực trạng đó, huyện Bảo Yên đã tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; lồng ghép, tận dụng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện các Dự án từ các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, huyện đã triển khai thực hiện 8 dự án phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với sự tham gia của hàng nghìn hộ dân. Các dự án tập trung phát triển các cây trồng chủ lực và tiềm năng của huyện như quế, chè, chuối, cây ăn quả, dâu tằm… Toàn huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu như vùng trồng chè hơn 578 ha, vùng trồng chuối 296 ha, quế hơn 24.900 ha, vùng cây ăn quả hơn 214 ha…
Tiêu biểu là dự án xây dựng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế gắn với phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ, triển khai tại các xã Cam Cọn, Minh Tân, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa, quy mô trồng mới 366,8 ha, thâm canh 455 ha, với 793 hộ tham gia; dự án liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Xuân Hòa, Kim Sơn, Tân Dương, Yên Sơn, quy mô 155 ha với 230 hộ tham gia; dự án liên kết phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại các xã: Xuân Hòa, Lương Sơn, Tân Dương, Phúc Khánh, Xuân Thượng có quy mô thâm canh 46 ha với 121 hộ tham gia…
Nhờ các cấp chính quyền hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bảo Yên đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững. Năm 2023, gia đình anh Lương Văn Ngọc ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn được tham gia dự án “Liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP”. Theo đó, gia đình được hỗ trợ giống chuối, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết bao tiêu sản phẩm.
Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật được tập huấn, nên diện tích chuối sinh trưởng, phát triển tốt. Với 1,2 ha, hiện mỗi năm gia đình xuất bán hơn 1.000 buồng chuối, trọng lượng 25 - 30 kg/buồng, giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
Anh Ngọc chia sẻ: Chuối sau khi thu hoạch được đơn vị liên kết thu mua ngay tại thôn, vừa không mất chi phí vận chuyển, giá bán ổn định, gia đình rất phấn khởi. Ngoài sản phẩm chính là quả chuối, thân chuối cũng được đơn vị liên kết thu mua để sơ chế thành sợi tơ phục vụ xuất khẩu, tạo thêm thu nhập cho người dân.
Nhiều hộ dân tại thôn Lự, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, trước kia, khi chưa chuyển đổi cây trồng, chỉ trồng những cây như sắn, ngô, thì thu nhập chỉ khoảng 10-20 triệu/ ha. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các gia đình đã đầu tư trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập cao; đồng thời vẫn có thể xen canh trồng sắn dưới tán rừng, kết hợp với chăn nuôi tổng hợp; nhờ đó đã đem lại thu nhập ổn định. Mỗi năm, mô hình kinh tế gia đình đã cho thu nhập 90 - 100 triệu đồng. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến hết năm 2023, giá trị trên một ha đất canh tác của huyện đạt 90 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Tận dụng lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Bảo Yên đã tập trung mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, từng bước tạo ra các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Ngoài việc liên kết sản xuất đối với nhóm ngành hàng chủ lực như quế, chè, gỗ thì huyện Bảo Yên cũng đẩy mạnh các mô liên kết trong sản xuất tăng vụ để tăng giá trị thu nhập trên/ha canh tác để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, liên kết Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt thực hiện 15 ha/100 hộ trồng và tiêu thụ cây khoai tây tại các xã: Long Khánh; Kim Sơn; Lương Sơn; liên kết với Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Trần Vinh trồng cà rốt với quy mô 20 ha/ 21 hộ tại xã Bảo Hà và Xuân Thượng. Hợp tác xã nông nghiệp Vàng Xanh đã ký hợp đồng liên kết sản xuất tại các xã Vĩnh Yên, Yên Sơn, Bảo Hà, Xuân Hòa, Kim Sơn, Tân Dương, Xuân Thượng…
Thực tế cho thấy, thông qua việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình tại huyện Bảo Yên đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm của huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao: Năm 2022 là 7,74%, đạt 172% kế hoạch tỉnh giao (4,5%); năm 2023 là 4,51%, đạt 104,92% kế hoạch tỉnh giao (4,3%), đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trong thời gian tới, huyện Bảo Yên phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3 - 4%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.