Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Hải, sau hơn 10 năm áp dụng Luật Viễn thông 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản để triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch nhằm thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang cũng như của Việt Nam trong đảm bảo an ninh thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có hơn 17.000 km cáp quang đã được triển khai đến tận ấp/khóm/xã/phường của 11 huyện, thị xã, thành phố; tỷ lệ phủ băng rộng cố định, phủ sóng 3G, 4G đạt 100% khóm/ấp. Cơ sở hạ tầng viễn thông được triển khai trải rộng khắp 11 huyện, thị xã, thành phố với hơn 2.160 trạm thu phát sóng di động 2G/3G/4G (BTS),…
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang cho biết thêm, việc triển khai thực hiện Luật Viễn thông năm 2009 thời gian qua ở An Giang cơ bản không phát sinh nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sắp tới bao quát được tất cả các vấn đề, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và xu thế của thế giới cần sửa đổi, điều chỉnh lại định nghĩa, quy định về “mạng nội bộ”, “mạng viễn thông nội bộ”… để luật rõ nghĩa. Bên cạnh đó, các khái niệm, định nghĩa và quy định của Luật Viễn thông cần có sự thống nhất giữa các luật hiện hành khác như Luật An toàn thông tin mạng; Luật Viễn thông cũng cần quy định rõ việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để đảm bảo yêu cầu về cảnh quan, môi trường và các quy hoạch khác có liên quan…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh, sau thời ban hành, Luật Viễn thông 2009 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp thực tế, cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Với những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với xu hướng hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế như: mô hình canh tác lúa thông minh, mô hình quản lý dịch hại qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh đang được triển khai ở An Giang… Do đó, Luật Viễn thông cũng cần được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển viễn thông hiện nay và đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật chung.
Để Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sắp tới được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh viễn thông phát triển đồng bộ, tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành, đảm bảo mỹ quan, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của từng địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư kiến nghị Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần quan tâm hơn nữa tới tính bảo mật thông tin, quyền riêng tư của người sử dụng dịch vụ, nhất là quyền lợi của người tiêu dùng; quy định rõ, cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông… Cùng với đó, tỉnh An Giang cũng sẽ tích hợp các quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực vào quy hoạch chung của tỉnh, nhằm hướng đến sự phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh An Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bổ sung một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về viễn thông như giấy phép viễn thông, vấn đề kết nối, chia sẻ hạ tầng giao thông; việc thực hiện các chính sách Nhà nước về viễn thông, phát triển thị trường viễn thông về bán buôn, bán lẻ; quản lý, phát triển dịch vụ vệ tinh…; đồng thời, hoàn thiện báo cáo để Đoàn công tác tổng hợp.
Đối với các kiến nghị của tỉnh An Giang, Đoàn công tác xin ghi nhận và sẽ có những nghiên cứu, đánh giá phù hợp nhằm xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo Quốc hội.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố Long Xuyên (An Giang) về những khó khăn, bất cập trong thực hiện Luật Viễn thông năm 2009.