Tham dự hội thảo có đại diện tỉnh An Giang, WWF Việt Nam, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng các nhà khoa học, giảng viên nghiên cứu đến từ các trường đại học trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, đại diện WWF Việt Nam thông tin sẽ thực hiện nghiên cứu, đưa ra các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long như vườn quốc gia Tràm Chim, rừng đặc dụng Vồ Dơi, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư…; trong đó, rừng tràm Trà Sư (An Giang) là dự án đầu tiên được WWF Việt Nam thực hiện. Khi dự án này hoàn thành sẽ là cơ sở để nhân rộng các dự án khác tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, rừng tràm Trà Sư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005. Khu bảo vệ Cảnh quan rừng tràm Trà Sư vùng lõi với diện tích 850 ha và vùng đệm 1.155 ha là một sinh cảnh tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, với 140 loài thực vật, 81 loài động vật và hơn 70 loài chim được ghi nhận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chế độ thuỷ văn theo mùa của vùng ngập lũ và có vai trò quan trọng trong việc phục hồi nước ngầm, bồi lắng phù sa.
WWF Việt Nam kỳ vọng các mô hình bảo tồn và canh tác thuận thiên sẽ được nghiên cứu và triển khai tại khu vực rừng tràm Trà Sư trong thời gian tới, giúp rừng phục hồi khoảng 60 ha rừng các loài cây bản địa và nuôi dưỡng khoảng 100 ha để phục hồi rừng tràm và các sinh cảnh đang bị suy thoái. Đồng thời chuyển đổi khoảng 200ha vùng đồng ngập lũ ở vùng đệm của Trà Sư sang mô hình canh tác thuận thiên.
Đặc biệt qua nghiên cứu, WWF Việt Nam sẽ đưa ra một báo cáo khảo sát đa dạng sinh học trong vùng lõi rừng tràm Trà Sư xem xét tính phù hợp với các tiêu chí của Công ước Ramsar và đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa Khu bảo vệ cảnh quan Trà Sư vào danh sách đề cử Khu Ramsar mới của Việt Nam. Đồng thời đưa ra một báo cáo khả thi cho đầu tư các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên áp dụng cho toàn vùng đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình Nước Ngọt, WWF Việt Nam cho biết, việc quản lý nước và tạo sinh kế cho người dân là rất quan trong trong dự án thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Trong khuân khổ của dự án, WWF Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng một chiến lược về quản lý nước ở trong khu bảo tồn; giúp các vùng đệm duy trì các dòng chảy của lũ, lưu giữ nước lũ trong các cánh đồng để đáp ứng tính đa mục tiêu như phục hồi hệ sinh thái, duy trì hệ sinh thái học, phòng chống cháy rừng và phục vụ cho phát triển du lịch khu vực Trà Sư và kết nối với khu vực xung quanh", ông Việt cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu; phục hồi đa dạng sinh học đất ngập nước; phát triển và mở rộng các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên ở vùng đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời nghe các chuyên gia giới thiệu tổng quan dự án "Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong NbS)", các hiến kế về quản lý nguồn nước tại các vùng đất ngập nước, các mô hình sinh kế dựa vào lũ (NbS) tại các tỉnh thượng nguồn sông Mê Kông…
Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam cho biết, dự án thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà nghiên cứu mong muốn tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi đa dạng sinh học đất ngập nước, phát triển và mở rộng các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên ở vùng đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long,
Theo ông Thịnh, với mục tiêu cụ thể là khôi phục các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên của đồng bằng như dòng chảy tự nhiên, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm. Đặc biệt việc xây dựng và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào tự nhiên của dự án có tiềm năng mở rộng và khả thi cho đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Đồng Tháp mười và Tứ giác Long Xuyên…