Nơi quy tụ nhiều sinh vật đặc thù
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 4 khu Ramsar - khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đó là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) và Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, đồng thời Ban Thư ký Công ước Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước) công nhận là khu Ramsar. Vườn có tổng diện tích tự nhiên khoảng trên 41.860 ha, trong đó phần đất liền chiếm hơn 15.260 ha và phần trên biển là 26.600 ha, vị trí ba mặt giáp biển, nơi giao thoa giữa biển Đông và biển Tây, chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều, gồm bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây. Đặc điểm vùng ven biển thấp, nóng ẩm, mưa nhiều, hệ thống kênh rạch nội đồng chằng chịt và chế độ thủy triều - dòng chảy pha trộn phức tạp đã tạo cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hệ sinh thái ngập mặn độc đáo, quy tụ nhiều sinh vật đặc thù, mang tính đa dạng sinh học cao.
Theo Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vườn có tính đa dạng sinh học cao, quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, vẹt... Vườn có nhiều loài động vật, đơn cử như, động vật lớp chim được ghi nhận tới trên 100 loài, lớp thú có 28 loài và trên 40 loài thuộc lớp lưỡng cư bò sát, 39 loài cá. Tại vườn, nhiều loài động vật nguy cấp quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới được ghi nhận như: Khỉ đuôi dài, cà khu, bồ nông chân xám, cốc đế, choắt chân màng lớn, giang sen, hạc cổ trắng.
Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được công nhận là Khu Ramsar. Với diện tích 7.300 ha, có hệ sinh thái đa dạng, nơi đây được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với đầy đủ hệ sinh thái của một vùng đất ngập nước. Vườn ghi nhận khoảng 130 loài thực vật, hình thành theo các kiểu quần xã đặc trưng như: quần xã sen, súng, súng, lúa ma (lúa trời), cỏ ống, năng ống. Vườn cũng là nơi cư trú của trên 250 loài chim nước, nhiều loài cá nước ngọt. Trong đó, nhiều loài chim quý, hiếm như te vàng, bồ nông, già đẫy và đặc biệt là sếu đầu đỏ - loài có tên trong Sách Đỏ thế giới, cần được bảo vệ vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Tương tự, Khu Ramsar - Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An là một trong những điển hình về hệ sinh thái vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười với đồng cỏ ngập nước theo mùa. Nơi đây có khoảng trên 150 loài thực vật, nhiều loài động vật có xương sống, trong đó một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) có diện tích trên 21.000 ha lại nổi bật với hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật hoang dã, gồm chim, thú, bò sát lưỡng cư, cá, côn trùng cùng nhiều loài thủy sinh vật khác nhau.
Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học
Nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, tại các địa phương có vùng đất ngập nước, nhiều hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái được triển khai thực hiện.
Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị, chức năng kinh tế của hệ sinh thái vùng đất ngập nước, Vườn đã phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị như: Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với sự tham gia của 10 hộ dân. Phát triển mô hình này, các hộ dân bố trí dịch vụ lưu trú bằng vật liệu cây gỗ địa phương, tháp quan sát chim, phương tiện vận chuyển khách phù hợp. Người dân được đào tạo tập huấn về kỹ năng làm du lịch, cách sử dụng trang thiết bị phục vụ quan sát chim, hỗ trợ con giống thủy sản, cây trồng nông nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức còn hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh khu Ramsar Mũi Cà Mau trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với các tổ chức, hộ dân xây dựng, triển khai một số phương án nuôi trồng thủy sản phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thủy sản, đồng thời tạo điểm nhấn cho du khách tham quan trên các tuyến biển.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện thí điểm mô hình đồng quản lý ở kênh Hai Thiện thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn nhằm hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, cung cấp con giống, nâng cao năng lực, góp phần quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Vườn Quốc gia. Vườn còn phối hợp với Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện Dự án phục hồi rừng ngập mặn, với mục tiêu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 150 ha rừng tự nhiên trên vùng bãi bồi, đồng thời triển khai chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, giảm thiểu rác thải đại dương, đề xuất giải pháp cải thiện sinh kế người dân trên lâm phần vườn quốc gia. Các cán bộ của đơn vị cùng một số tổ chức, đơn vị tập huấn trực tuyến cho 140 hộ nhận thuê khoán, quản lý, bảo vệ rừng, qua đó tăng cường sự tham gia của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn. Cùng với đó là thành lập Tổ tự quản lâm nghiệp và xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng để tối đa hóa năng suất, hiệu quả, vừa cải thiện thu nhập cho các hộ nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, vừa góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn hiệu quả.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy tính đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước. Vườn Quốc gia Tràm Chim tích cực thực hiện bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo tồn nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng… Công tác tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép với tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự đồng thuận lớn trong cộng đồng dân cư ở các khu vực vùng đệm của vườn quốc gia.
Đơn vị chức năng quan tâm kiểm soát các loài sinh vật lạ xâm lấn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước. Từ năm 2009 đến nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện đề án diệt trừ cây mai dương - một sinh vật ngoại lai gây hại cho các loài thực vật, động vật bản địa. Hiện nay, Vườn đã cơ bản hạn chế sự phát tán của loài này, hệ sinh thái, hệ thực vật tại các khu vực kiểm soát được phục hồi, thu hút các loài chim và loài động vật khác đến trú ngụ, tái tạo cảnh quan môi trường.
Để phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia, hiện nay, nhóm các chuyên gia đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Đại học Wollongong (Australia) hợp tác thực hiện dự án “Quản lý môi trường hệ sinh thái với công nghệ AI/IoT” tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Trong khuôn khổ dự án, chuyên gia sử dụng trạm quan trắc dữ liệu môi trường tự thiết kế để đo đạc các tham số như mực nước, ô xy hòa tan, độ đục của nước, nhiệt độ. Từ đó, giúp các nhà quản lý ngay lập tức nắm được chỉ số quan trọng để có giải pháp góp phần bảo vệ, phát triển hệ sinh thái của vườn quốc gia. Các chuyên gia sử dụng camera AI (trí tuệ nhân tạo) có thể tự động chụp ảnh tại vị trí cố định trong vườn. Từ đó, áp dụng công nghệ nhận dạng ảnh vào phân tích, phân loại, đánh giá các quần thể thực vật và động vật của Vườn Quốc gia Tràm Chim.