Khởi sắc các bản tái định cư ở Lai Châu

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân mà kinh tế - xã hội ở các bản tái định cư trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang ngày càng khởi sắc và người dân gắn bó hơn với nơi ở mới.

Một mùa Xuân mới lại về, cùng với người dân muôn nơi, đồng bào các dân tộc ở những bản tái định cư tỉnh Lai Châu đang phấn khởi đón năm mới bình an, may mắn và phát triển.

Chú thích ảnh
Vùng tái định cư xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đổi thay, cuộc sống của người dân dần ổn định và thoát nghèo. 

Đổi thay vùng tái định cư

Những ngày đầu năm mới, ở các bản tái định cư của thủy điện Lai Châu thuộc xã Nậm Khao, huyện biên giới Mường Tè, trên khắp các sườn đồi đều thắm đỏ sắc đào. Những ngôi nhà sàn khang trang nằm san sát bên nhau tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm.

Tại bản tái định cư Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, năm nay đã là mùa xuân thứ 9 bà con nơi đây được đón xuân trên vùng đất mới. Nhờ Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đường, điện, trường khang trang sạch đẹp, thoáng mát mà người dân đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo người dân trong bản, hàng năm khi cận kề Tết nhà nào nhà nấy đều tất bật quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trang hoàng lại nhà cửa, nhà văn hóa của bản để chuẩn bị đón Tết. Đặc biệt, bà con sẽ cùng nhau tập luyện các bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc để trình diễn văn nghệ trong những ngày đầu năm mới.

Ông Lò Văn Hùng, Trưởng bản Xám Láng chia sẻ, toàn bản có 119 hộ dân là đồng bào dân tộc Cống và 443 nhân khẩu. Trước đây, khi ở nơi cũ (cách bản mới 4 km) bà con trong bản rất vất vả, đường xá không có, đi lại không thuận tiện, trường, trạm cũng chỉ làm tạm bằng tre, vách nứa. Lúc đó, đời sống của người dân khó khăn, thu nhập thấp, trồng lúa có năm mất mùa do chưa biết cách chăm sóc, kỹ thuật nên năng suất kém. Có nhà năm nào mất mùa thì không đủ ăn, dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao gần 100%.

 Từ khi lên ở bản tái định cư, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống của người dân cũng thay đổi. Ở đây, nhà nào nhà nấy cũng có nước sinh hoạt đầy đủ, đi lại thuận tiện, các cháu học sinh được học trong ngôi trường khang trang và gần nhà, tạo thuận lợi cho bà con làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ở nơi mới bà con được đi học nghề chăn nuôi trồng trọt, được Nhà nước hỗ trợ cây trồng rừng, trồng xoài nên thu nhập của người dân tăng. Hiện tại, mỗi hộ gia đình ít nhất cũng được hơn 1 tấn thóc trở lên. Thu nhập của bà con được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 54 hộ.

Ông Chang Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Nậm Khao cho hay, xã Nậm Khao có 4 bản với 465 hộ dân và 1.762 nhân khẩu chủ yếu là đồng bảo dân tộc Cống và La Hủ sinh sống. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về di dân tái định cư thủy điện Lai Châu, xã đã tuyên truyền người dân đến nơi ở mới và 100% bà con đồng thuận hưởng ứng. Xã Nậm Khao có 2 bản thuộc diện tái định cư gồm bản Xám Láng và bản Láng Phiếu.

Chú thích ảnh
Người dân bản tái định cư Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo. 

Sau khi ổn định tái định cư đường xá đi lại khang trang, cơ sở hạ tầng trường lớp đầy đủ, nhiều chính sách tái định cư của Nhà nước góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo địa phương. Nhiều hộ dân có điều kiện cho con cái đi học đại học và trở về địa phương công tác. Nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt và an sinh xã hội, nhiều hộ gia đình khấm khá hơn và tệ nạn xã hội giảm. Thu nhập bình quân các hộ gia đình tăng lên theo từng năm, trước đây ở bản cũ khoảng 6 triệu đồng, nay tăng lên gần 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 52% theo tiêu chí đa chiều mới.

Tương tự, tại huyện Nậm Nhùn, được sự quan tâm chăm lo về nhiều mặt, đến nay, đời sống đồng bào vùng tái định trên địa bàn huyện cơ bản ổn định hơn nơi ở cũ. Bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế và gắn bó lâu dài với vùng quê mới.

Cách trung tâm huyện Nậm Nhùn hơn 20 km, Mường Mô là địa bàn cư trú của 751 hộ dân với 2.939 nhân khẩu, 95% bà con là đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Nhân dân 8/8 bản của xã đều thuộc diện tái định cư. Trong đó, 7/8 bản là người dân tái định cư di chuyển theo chương trình xây dựng thủy điện Lai Châu; bản còn lại thì di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở do lũ quét.

Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết, nhân dân trong xã hầu hết chuyển về nơi ở mới trong năm 2014 và đến thời điểm này cuộc sống đã ổn định thậm chí tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều. Dọc các tuyến đường quanh xã là các khu sản xuất cây ăn quả, nương ngô, nương sắn… hầu như không còn khu vực để hoang hóa, cỏ dại.

Tới thăm 2 bản tái định cư Mường Mô và Mường Mô 1 chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hộ dân sống tập trung trên vùng đất bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi thoai thoải. Các ngôi nhà đều đã xây dựng chắc chắn, khang trang đảm bảo tiêu chí 3 cứng. Đường đi lối lại được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Trường học, hàng quán cách khu dân cư không xa, rất thuận lợi cho việc mua sắm. Trong mỗi ngôi nhà đã mua sắm được các đồ dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống; nông sản sau khi thu hoạch được bảo quản cẩn thận, cuộc sống no ấm đang hiện hữu nơi đây.

Chị Mào Thị Nhim, người dân ở bản Mường Mô chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, sinh sống ở khu vực lòng hồ thủy điện. Năm 2014, di chuyển lên nơi ở mới này, gia đình tôi được bố trí đất ở, đất canh tác. Trong quá trình di chuyển được bà con, anh em đến hỗ trợ di rời, được hỗ trợ gạo, tiền. Bây giờ, gia đình tôi đã thoát nghèo, có nhà mới chắc chắn, cuộc sống ổn định với thu nhập từ nương rẫy. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi 10 lồng cá dưới lòng hồ. Mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 5 tấn cá các loại, mang về thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng".

Triển khai hiệu quả các chính sách

Chú thích ảnh
Bà con vùng tái định cư bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè tăng gia sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống gia đình. 

Thực hiện chủ trương di dân của Nhà nước, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, huyện Nậm Nhùn đã thành lập Ban Chỉ đạo di dân tái định cư và sắp xếp ổn định dân cư; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được bố trí sắp xếp dân cư, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đối với các điểm dân cư vùng có nguy cơ thiên tai, lũ ống, lũ quét và vùng biên giới hàng năm huyện đều tiến hành rà soát, đánh giá kiểm tra để xây dựng phương án di dời. Triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng: mặt bằng, đường, trường, trạm... tại các điểm bố trí, sắp xếp dân cư phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Để có được sự đồng thuận cao của người dân, huyện tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp dân cư, tái định cư đến Nhân dân bằng nhiều hình thức như: Hội nghị, họp dân, qua hệ thống loa phát thanh không dây. Từ đó, giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia di dời đến nơi ở mới.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, từ khi chia tách, thành lập huyện đến nay đã có 1.572 hộ, 6.956 khẩu di chuyển để thực hiện công trình thủy điện Lai Châu, Sơn La. Huyện thực hiện 13 dự án đầu tư bố trí dân cư tập trung ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai. Cụ thể, 9 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai (quy mô 414 hộ, vốn duyệt trên 75 tỷ đồng), 1 dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn (quy mô 175 hộ, vốn duyệt trên 24 tỷ đồng); 3 dự án bố trí dân cư vùng biên giới (quy mô 146 hộ, vốn duyệt trên 115 tỷ đồng) và 108 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi ở an toàn bằng hình thức xen ghép, tại chỗ.

Đến nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được bố trí đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn nơi ở cũ, có đủ các điều kiện về sản xuất, chăn nuôi; có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước hợp vệ sinh, thủy lợi, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng đồng bộ đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các chính sách hỗ trợ sản xuất được quan tâm triển khai, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại nơi ở mới, là bước tạo đà để từng bước xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chú thích ảnh
Bà con đồng bào người Cống ở vùng tái định cư bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè truyền dạy lớp trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc. 

Hiện toàn huyện Nậm Nhùn còn 5 hộ gia đình ở vùng có nguy cơ và nguy cơ cao xảy ra thiên tai cần được bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực để di chuyển các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn… quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân.

Thực hiện việc di dân các công trình thủy điện, hơn 9.000 hộ dân đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu phải di chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho lòng hồ và các công trình thủy điện. Giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu đã bố trí 2.850 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư và hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân.

Nhờ có chương trình tái định cư, tất cả các bản tái định cư trong tỉnh Lai Châu đều được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng với 100% bản có đường ô tô hoặc xe máy đến bản được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Cùng đó, bà con nhân dân cũng không ngừng mở rộng diện tích lúa nước để canh tác và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Từ đó, cuộc sống của người dân tái định cư có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Kiên quyết thu hồi tiền tạm ứng gói thầu khu tái định cư sân bay Long Thành
Kiên quyết thu hồi tiền tạm ứng gói thầu khu tái định cư sân bay Long Thành

Ngày 16/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết đang quyết liệt triển khai các giải pháp, đồng thời xem xét, thực hiện thủ tục để khởi kiện ngân hàng tham gia bảo lãnh tiền tạm ứng cho nhà thầu xây dựng 5 công trình (đã bị chấm dứt hợp đồng) Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ sân bay Long Thành. Đây là giải pháp cuối cùng để ngành chức năng thu hồi nguồn vốn đã tạm ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN