Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khung thời vụ nuôi trồng thủy sản, thực hiện quan trắc môi trường nước vùng nuôi nhằm khuyến cáo kịp thời đến người nuôi. Ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường kiểm dịch giống thủy sản tại cơ sở sản xuất giống và giống thủy sản nhập vào tỉnh; triển khai giám sát bệnh thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản.
Trong nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục áp dụng thâm canh, ứng dụng công nghệ, thực hành tốt quy trình nuôi, khuyến khích nuôi công nghiệp trên cả diện rộng và quy mô nhỏ để duy trì phát triển thủy sản... Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như đường sá, thủy lợi, hệ thống điện...
Tỉnh Long An thực hiện xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành với tổng diện tích khoảng 6.800 ha; trong đó, thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thương phẩm tại một số diện tích. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị tôm nuôi đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Đối với việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tỉnh Long An tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… với các chủng loại thủy sản như cá tra giống, cá lóc, cá trê…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh có bước phát triển khá. Quy mô diện tích và sản lượng các loại thủy sản ngày càng tăng, nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm nước lợ có lợi nhuận đạt từ 100 - 300 triệu đồng/ha; nuôi cá tra giống lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng/ha…
Năm 2020, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của tỉnh đạt gần 5.500 ha; năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha với tổng sản lượng hơn 13.600 tấn. Đối với thủy sản nước ngọt, tỉnh Long An thả nuôi hơn 2.700 ha và 6.500 m3 lồng nuôi; tổng sản lượng nuôi đạt gần 44.500 tấn.