Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, vấn đề các nhóm chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh luôn ở mức thấp và bị giảm điểm đã làm “nóng” nghị trường, khi các đại biểu đã đưa ra để chất vấn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh, Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai đặt câu hỏi, các chỉ số liên tục giảm điểm, xếp thứ hạng thấp là do ai, do đâu? Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh thế nào? Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết tâm, quyết liệt gì trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vấn đề này?
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm đánh giá, số điểm các chỉ số giảm không nhiều nhưng số thứ tự giảm rất nhiều so với các tỉnh, thành phố, ngay kể Chỉ số PAR INDEX tăng nhưng lại giảm 10 bậc. Điều đó cho thấy, dù tỉnh đã cố gắng giữ điểm đánh giá nhưng bậc lại tụt xuống, có nghĩa là tỉnh đứng lại, tụt lùi so với các tỉnh, thành khác.
Nguyên nhân một số chỉ số giảm điểm là do pháp luật và văn bản hướng dẫn luật có một số điểm không rõ ràng, mâu thuẫn, có nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Tài sản công,...; tỉnh chưa chú trọng đến công tác quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng), khi nhà đầu tư vào khảosát, nghiên cứu đầu tư phải dừng lại chờ quy hoạch;…
Ông Nguyễn Ngọc Sâm cũng thừa nhận, một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cán bộ ở một số đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ, có tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm, chưa có tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngại gần gũi doanh nghiệp; tinh thần phối hợp giữa các cơ quan chưa được tốt.
“Thời gian đến, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật một số lĩnh vực phức tạp, dễ sai phạm như đất đai, khoáng sản, quy hoạch, lâm nghiệp, đầu tư, tài sản công,... để cán bộ nắm chắc, mạnh dạn, nâng cao năng lực xử lý công việc, kịp thời, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác lập các quy hoạch; tăng cường công tác đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, trách nhiệm giải trình các ý kiến của doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị liên quan”, ông Nguyễn Ngọc Sâm khẳng định.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao trách nhiệm cải cách các bộ chỉ số cho từng địa phương, đơn vị. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ tiếp tục hoàn thiện báo cáo rà soát, đánh giá kết quả, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến các chỉ số; yêu cầu các cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối triển khai các chỉ số Chỉ số PCI và các chỉ số khác như PAPI, SIPAS, PAR INDEX của tỉnh tiếp tục rà soát, phân tích, tham mưu kế hoạch khắc phục đối với những chỉ tiêu, chỉ số thành phần bị giảm điểm, mất điểm, làm giảm thứ hạng.
Chỉ số thành phần Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước được giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Thanh tra tỉnh; chỉ số thành phần Chi phí không chính thức trách nhiệm của Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Đối với chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, trách nhiệm thuộc về Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện,thành phố; chỉ số Chi phí gia nhập thị trường thuộc trách nhiệm chung của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện;…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương tự rà soát, đánh giá, phân tích kết quả thực hiện các chỉ số của đơn vị, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận các dịch vụ công; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ được giao để góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PARINDEX của tỉnh.
Đây được xem là những hành động quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trong việc đốc thúc, yêu cầu các Sở, ban ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Qua đó, tạo niềm tin cho người dân trong quá trình đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính, tạo ra một khu vực hành chính “mở cửa” cho người dân và doanh nghiệp.