Tại văn bản số 1523/SNN-TL ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Thời gian qua, UBND huyện Đơn Dương đã tích cực xử lý các hành vi vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Próh. Tuy nhiên, tình hình vi phạm đang diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, UBND huyện Đơn Dương tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm tại hồ chứa nước Próh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Trong trường hợp các đối tượng vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, không tháo dỡ công trình vi phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ theo quy định. Tiến độ, kết quả xử lý đề nghị gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 1/8 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, một số vi phạm nghiêm trọng hành lang công trình thủy lợi hồ chứa nước Próh chưa xử lý được. Mới đây nhất ngày 12/5, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương kiểm tra, phát hiện thượng lưu hồ chứa nước Próh có nhóm thợ đang thi công đắp bao cát, với chiều dài khoảng 20m, cao 2-3m chặn ngang khe suối cấp nước cho hồ Próh. Tuy nhiên, cán bộ của Trạm đến địa điểm vi phạm để làm việc có nhóm người ngăn cản không cho tiếp cận nên không thể xác định đối tượng vi phạm. Trạm đã gửi văn bản đề nghị UBND xã Próh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm này. Tuy nhiên cho đến nay, cán bộ của Trạm chưa thể đến gần khu vực vi phạm, do có nhóm người ngăn cản và hành vi vi phạm chưa được xử lý.
Tại khu vực lòng hồ, bờ trái đập cách tràn xả lũ khoảng 200m, Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Próh đã thi công trái phép một sàn bằng thép hộp lát gỗ với diện tích trên 100m2 và xây dựng hàng rào trụ bê tông, căng lưới thép B40 bảo vệ. Đơn vị này xây dựng trái phép hai đoạn tường rào trong hành lang bảo vệ hồ với kích thước 8 x 3m, có kết cấu móng đá xây, trụ bê tông và rào B40. Công trình này đã đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, ông Ya Kha ở thôn Pró Ngó (xã Próh) đã tái lấn chiếm 6.000m2 để canh tác rau màu và dựng chòi để dụng cụ, phân bón tại khu vực hạ lưu đập, trong phạm vi công trình hồ thủy lợi Próh…
Đáng chú ý, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết vi phạm ở hồ thủy lợi Próh, các cơ quan, ban, ngành và UBND huyện đã tốn khá nhiều giấy mực và công sức đi kiểm tra mà không xử lý được. Cụ thể, ngày 13/1/2022, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm. Ngày 17/1, UBND huyện Đơn Dương có văn bản số 90/UBND-NN về việc khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ hồ Próh. Ngày 24/1, UBND huyện tổ chức đoàn đi kiểm tra xác định vi phạm…
Ngày 15/1/2022, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng gửi báo cáo số 17/BC-ĐTKTTL đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND huyện Đơn Dương. Ngày 28/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 224/SNN-TL đề nghị UBND huyện Đơn Dương xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Ngày 10/3, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng có văn bản số 35/ĐTKTTL gửi UBND huyện Đơn Dương xử lý dứt điểm các vi phạm trên. Ngày 24/3, UBND huyện Đơn Dương có văn bản số 56/NN&PTNT về việc khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình hồ chứa nước Próh…
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các sở, ngành, UBND huyện Đơn Dương đã có hàng loạt văn bản qua lại. Tuy nhiên, cho đến nay, các hành vi vi phạm hành lang công trình hồ và khu vực lòng hồ Próh vẫn chưa được xử lý. Theo văn bản số 1523/SNN-TL ngày 8/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Próh không dừng các hoạt động vi phạm mà còn xây dựng thêm và đưa vào kinh doanh bán cà phê. Nghiêm trọng hơn, hành vi xây dựng trái phép công trình ở thượng lưu của hồ tại vị trí mốc HLBV-HCN số 30 cho đến nay chưa thể xác định đối tượng vi phạm. Bởi đến nay, cán bộ cơ quan chức năng không thể đến gần khu vực do bị nhóm người lạ ngăn cản và hành vi vi phạm này chưa được xử lý.
Trước đó, từ ngày 30/5/2021, phóng viên TTXVN đã có loạt tin bài, phóng sự truyền hình phản ánh tình trạng xâm hại nghiêm trọng hồ thủy lợi Próh. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm này chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tình trạng này khiến nhiều tổ chức, cá nhân khác tiếp tục tiến vào xâm hại hồ thủy lợi này. Trong khi đây là một trong những hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 515 ha lúa và rau màu, đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cải tạo môi trường, tạo điểm văn hóa của địa phương…