Nâng cao năng lực cho học sinh
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa có văn bản gửi một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học Phổ thông về triển khai các nội dung dự án “Nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh tỉnh Khánh Hòa”.
Theo đó, các Trường Trung học Cơ sở Thái Nguyên, Nguyễn Hiền, Võ Thị Sáu (thành phố Nha Trang); Hùng Vương, Nguyễn Hiền, Quang Trung (huyện Cam Lâm), Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Hà Huy Tập (thành phố Nha Trang), Nguyễn Huệ, Đoàn Thị Điểm (huyện Cam Lâm) tham gia dự án giai đoạn 1 sẽ bổ sung 30 tiết học tiếng Anh/năm học/trường theo hình thức gộp thành 8 đến 15 buổi sinh hoạt câu lạc bộ có chủ đề, có mục tiêu cụ thể. Thời gian thực hiện từ ngày 16/10.
Học sinh các trường tham gia dự án này sẽ được các giáo viên giảng dạy tập trung nâng cao kỹ năng nghe, nói, tạo môi trường thực hành nói tiếng Anh. Hoạt động này góp phần xây dựng phong trào học tiếng Anh trong học sinh của hai địa phương thí điểm là thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm ngày càng tốt hơn.
Ông Huỳnh Vĩnh Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Nha Trang cho biết, Nhà trường đã bố trí thời khóa biểu để đưa tiết học tiếng Anh trong dự án “Nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh tỉnh Khánh Hòa” giảng dạy ở hai khối 10,11. Học sinh tham gia học tiếng Anh theo dự án này có giáo trình riêng, không ảnh hưởng đến chương trình giáo dục chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dạy và học tại trường. Tùy vào tình hình thực tế, học sinh sẽ có 1 tiết/tuần hoặc ghép tiết để sinh hoạt câu lạc bộ.
“Học sinh không phải đóng thêm học phí. Trong các tiết học, giáo viên sẽ hướng cho học sinh cách học trực tuyến, giao tiếp và học theo chủ đề của giáo trình có sẵn. Thầy cô được phân giảng dạy sẽ được tính thù lao theo dự án riêng”, ông Huỳnh Vĩnh Khang nói.
Đa dạng hình thức học ngoại ngữ
Phong trào học tiếng Anh được Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đẩy mạnh với nhiều nội dung, hoạt động. Tính đến nay, Tỉnh đoàn đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng và ra mắt ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại thông minh EZ English (40 bài số hóa, 20 bài nền tảng sách giáo khoa, 50 bí quyết học tập); triển khai hướng dẫn cài đặt và sử dụng tại các câu lạc bộ tiếng Anh đã vận hành (đạt 2.000 lượt tải app); các hội thảo về tiếng Anh tại các trường đại học; sự kiện nói tiếng Anh tại nơi công cộng 1 lần/tháng cho các thành viên câu lạc bộ và người dân tại thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm; các game show tri thức bằng tiếng Anh như: Rung chuông vàng, thi hát, Olympic tiếng Anh…
Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa (Cơ quan Thường thực Ban Chỉ đạo chương trình) cho biết: Thực hiện Chương trình người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai tuyên truyền về chương trình đến đoàn viên, thanh thiếu nhi, thành lập các Câu lạc bộ tiếng Anh trong hệ thống Đoàn các cấp. Đoàn Thanh niên làm đầu mối cho chương trình được triển khai từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố và vận động người dân hưởng ứng tham gia.
Hiện nay, các cơ quan, ban ngành, đơn vị bắt đầu biết đến Chương trình và chủ động liên hệ để được hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ cho đơn vị mình. Các Câu lạc bộ đã được thành lập hoạt động ổn định, nề nếp, chủ đề sinh hoạt phù hợp với từng đối tượng, học tập nghiêm túc. Nhiều phong trào, hoạt động do Tỉnh Đoàn chủ trì đã thúc đẩy tham gia học tập tiếng Anh được triển khai, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Bà Nguyễn Thanh Hồng (trú tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang) năm nay đã 69 tuổi vẫn hào hứng tham gia lớp học tiếng Anh do Hội Phụ nữ phường phối hợp với các đơn vị tổ chức. Theo bà Hồng, dẫu tuổi cao nhưng mong muốn được học tiếng Anh đã có từ lâu trong bà. Nay được các tổ chức tạo điều kiện học và nói tiếng Anh, bà rất muốn học giỏi để có thể hỗ trợ dạy lại cho con cháu.
Theo Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, khó khăn lớn nhất để Chương trình người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh được phổ biến rộng khắp là lịch sinh hoạt không cố định (linh hoạt) do yêu cầu/đặc thù công việc của thành viên trong câu lạc bộ. Do đây là hoạt động cộng đồng, chủ yếu là dựa trên tình thần tự nguyện của tình nguyện viên và nhân dân tham gia… Bên cạnh đó, địa điểm các Câu lạc bộ không quy tụ nên hạn chế trong việc phân bổ tình nguyện viên hỗ trợ.
Để phong trào người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh ngày càng sâu rộng hơn nữa, lãnh đạo Tỉnh Đoàn Khánh Hòa mong muốn được bổ sung thêm lực lượng tình nguyện viên ở các địa bàn thí điểm là những người có kiến thức về tiếng Anh, nhất là lực lượng giáo viên, sinh viên tiếng Anh để hỗ trợ cộng đồng người dân các địa phương Nha Trang, Cam Lâm thực hành nói tiếng Anh trong những hoạt động Câu lạc bộ cộng đồng.
Chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" được Ủy ban nhân dân tỉnh và Tập đoàn Vingroup ký kết hợp tác từ tháng 8/2022, với mục tiêu thúc đẩy việc đưa tiếng Anh vào cuộc sống, giúp người dân có thể tự tin giao tiếp với du khách nước ngoài, chủ động tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thương mại và góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện.
Chương trình thực hiện từ năm 2022 đến 2027, bước đầu được thí điểm tại thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm cho 5 nhóm đối tượng chính: Học sinh; sinh viên; cán bộ, công chức, viên chức; tiểu thương; người lao động có tương tác với khách nước ngoài. Sau đó, chương trình sẽ được mở rộng ra toàn tỉnh. Trong năm 2023, chương trình đặt mục tiêu giúp 50.000 người dân tiếp cận và sử dụng mobile app học tiếng Anh được xây dựng riêng cho dự án.