Ngôi làng này được thành lập năm 1978. Khi đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đi xây dựng vùng kinh tế mới, người dân từ nhiều địa phương khác nhau đã đến vùng đất thấp trũng Hà Lộc sinh sống, lập nghiệp với nghề chính là đi biển và nuôi trồng thủy sản.
Ngay phía trước làng Hà Lộc có sông Bầu Bợm chảy qua, người dân địa phương quen gọi là Khe Bầu Bợm. Trước năm 2000, bờ sông Bầu Bợm bên phía làng Hà Lộc đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đến năm 2000, Nhà nước đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng kiên cố tuyến đê kè dài 750m dọc bờ sông Bầu Bợm để bảo vệ làng Hà Lộc. Thế nhưng, vào mùa mưa bão cuối năm 2016, tuyến đê này bị lũ trên sông Bầu Bợm cuốn trôi khoảng 200m; đoạn còn lại đã bị sạt trượt, hư hỏng.
Đáng chú ý, 200m đê kè bờ sông Bầu Bợm bị lũ cuốn trôi lại nằm chính giữa làng Hà Lộc. Do đó, mỗi khi nước sông Bầu Bợm dâng cao hoặc có lũ là dòng nước chảy xiết hướng thẳng vào làng Hà Lộc. Gần 4 năm kể từ khi đoạn đê kè bờ sông Bầu Bợm bị vỡ, người dân làng Hà Lộc sống trong cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”. Bởi họ di dời khỏi làng để đảm bảo an toàn thì mất sinh kế, nghề biển vốn đã gắn bó với họ hơn 40 năm qua. Còn ở lại, tài sản, tính mạng bị đe dọa bởi vào mùa mưa bão, dòng lũ dữ từ sông Bầu Bợm cuồn cuộn chảy thẳng vào những ngôi nhà của họ.
Ông Lê Văn Chiến, 59 tuổi, sinh sống ở làng Hà Lộc kể từ khi ngôi làng này mới thành lập. Ông Chiến kể, trước đây, bờ sông Bầu Bợm phía bên làng Hà Lộc, tuyến đê kè chặn được dòng lũ chảy xiết vào làng. Sau khi tuyến đê này bị nước lũ cuốn trôi, dòng lũ trên sông Bầu Bợm chảy thẳng vào những ngôi nhà của người dân trong làng. Là những người làm nghề đi biển đã quen với sông nước, mỗi khi thấy dòng lũ cuồn cuộn đổ về, ai cũng lo sợ. Những năm qua, nhiều đợt lũ dâng cao đến 1,5m, chảy xiết đã cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa của các hộ dân.
Nếu như bờ sông Bầu Bợm bên phía làng Hà Lộc bị sạt lở, bờ sông phía đối diện lại bồi lấp ngày càng nhiều. Theo đó, bờ sông Bầu Bợm bên bồi đã lấn ra phía lòng sông. Hiện nay, lòng sông Bầu Bợm đoạn chảy qua làng Hà Lộc đã xuất hiện những doi cát trắng nhô lên khỏi mặt nước. Trước đây, khi sông Bầu Bợm chưa bị bồi lấp, người dân làng Hà Lộc vẫn thường xuyên đưa tàu cá ra, vào để đi biển hoặc tránh trú mỗi khi có bão. Những năm trở lại đây, lòng sông Bầu Bợm bị bồi lấp, khiến ngư dân làng Hà Lộc không còn chỗ để di chuyển tàu thuyền.
Cũng vì thế, nghề đi biển ở làng Hà Lộc gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngư dân trong làng đã phải bán tàu cá, đi làm thuê cho chủ tàu ở địa phương khác. Trong khi đó, những hồ nuôi trồng thủy sản dọc theo bờ sông Bầu Bợm, một thời từng mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân làng Hà Lộc nay đã bị bỏ hoang. Tuyến đê kè bảo vệ bờ sông Bầu Bợm bị lũ cuốn trôi khiến bờ bao của những hồ nuôi thủy sản bị vỡ toang mỗi khi lũ tràn về. Tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô càng thêm nghiêm trọng nên ao hồ không thể thả nuôi bất cứ con gì.
Ông Võ Văn Dũng, Trưởng thôn An Hà, xã Triệu Phước cho biết: Làng Hà Lộc có 94 hộ dân với 70 ngôi nhà. Vào mùa mưa, lũ trên sông Bầu Bợm dâng cao, nguồn nước từ các xã lân cận như: Triệu Trạch, Triệu Sơn và Triệu Vân đổ về rất mạnh. Dòng lũ đã gây sạt lở đất đai vào gần nhà dân, làm sạt lở con đường bê tông chạy dọc làng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Nếu có mưa lũ lớn dài ngày, nguy cơ làng Hà Lộc bị dòng lũ cuốn trôi là rất lớn. Người dân làng Hà Lộc rất mong muốn Nhà nước sớm đầu tư, xây dựng lại tuyến đê kè bờ sông Bầu Bợm, đảm bảo cuộc sống của họ được an toàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Nguyễn Văn Vui, chính quyền địa phương đã đi kiểm tra thực tế đê kè bờ sông Bầu Bợm bị lũ cuốn trôi. Qua đó cho thấy, việc khắc phục đê kè bờ sông Bầu Bợm là rất khẩn cấp. Tuy nhiên, nguồn lực của xã không đáp ứng được, vì cần đến hàng tỷ đồng. Xã đã kiến nghị cấp trên quan tâm, xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để khắc phục đê kè bờ sông Bầu Bợm bị hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết, nếu không kịp thời khắc phục đê kè bờ sông Bầu Bợm, lũ lụt sẽ gây sạt lở sâu vào trong làng Hà Lộc. Lực lượng chức năng của huyện và ngành thủy lợi của của tỉnh đã về khảo sát và lập dự án khắc phục nhưng chưa có kinh phí. Địa phương đang đợi nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục đê kè bờ sông Bầu Bợm, đảm bảo an toàn cho người dân làng Hà Lộc.