Lạng Sơn khó giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn mới đạt hơn 53% kế hoạch Trung ương giao. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức vào chiều 8/11.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn Hứa Thị Hằng cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 tính đến hết ngày 20/10 (bao gồm cả nguồn tăng thu và vốn kéo dài) đạt trên 2.097 tỷ đồng, bằng 53,9% kế hoạch Trung ương giao (ước tương đương mức bình quân chung của cả nước).

Nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng, hồ sơ, thủ tục dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, tiến độ thực hiện và giải ngân (bao gồm cả vốn kéo dài) đối với các dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2022 có 29 dự án đã giải ngân đạt 42,8% kế hoạch. Có 42 dự án chuyển tiếp đã giải ngân đạt 51,6% kế hoạch. Đến nay có 20 dự án tiến độ thực hiện và giải ngân chậm dưới 60%, do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục phê duyệt thiết kế chi tiết, điều chỉnh dự án.

Có 13 dự án khởi công mới giải ngân đạt 23,9% kế hoạch; trong đó, 1/11 dự án chưa đủ điều kiện giao chi tiết vốn năm 2023 (dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT). Trong số 14 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do cấp tỉnh quản lý chỉ có 1 dự án giải ngân đạt 100% là Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đình Lập; 1/14 dự án có kết quả giải ngân trên 80% (Cải tạo, sửa chữa Trung tâm y tế huyện Bình Gia); 3/14 dự án đã phê duyệt dự án, giao kế hoạch vốn nhưng tiến độ thực hiện và giải ngân còn chậm dưới 20%...

Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và dự án triển khai trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, đảm bảo tiến độ đối với từng nhóm dự án (dự án hoàn thành trước 31/12/2022, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới, chuẩn bị đầu tư). Đặc biệt, các chủ đầu tư rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp, kế hoạch cụ thể đối với những dự án chậm tiến độ so với mốc thời gian quy định.

Đối với dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn rà soát, xây dựng phương án cụ thể về kế hoạch, khối lượng có khả năng hoàn thành, nguồn vốn dự kiến giải ngân trong năm 2023; phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức thực hiện, giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công của dự án.

Đối với kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ đầu tư, UBND huyện, thành phố khẩn trương đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân chi tiết từng dự án, có giải pháp, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án điều chỉnh đối với nguồn vốn không có khả năng giải ngân...

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (kế hoạch đầu tư công) tỉnh Lạng Sơn được giao 3.891,923 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022; trong đó, đã phân bổ chi tiết trên 3.3 tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch; chưa phân bổ chi tiết trên 553 tỷ đồng, chiếm hơn 14% kế hoạch.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Giải ngân vốn đầu tư dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đạt gần 100%
Giải ngân vốn đầu tư dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đạt gần 100%

Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải, tính đến hết tháng 10/2023, dự án thành phần 3 đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã giải ngân đạt 99,8% nguồn vốn bố trí trong năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN