Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn
Lào Cai có lực lượng lao động dồi dào, với khoảng 487.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61,6% dân số.
Với mục tiêu dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025, nhiều giải pháp đã và đang được các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ.
Song song với việc giới thiệu việc làm khu vực ngoài tỉnh cho lao động địa phương, Lào Cai đang đặc biệt chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Tỉnh đã và đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khích lệ người nông dân yên tâm bám đất, bám rừng, gắn bó với sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thực hiện mục tiêu đó, các địa phương đã khuyến khích các đơn vị liên quan, tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết; đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng kinh tế số ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng biên giới của tỉnh.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo được trên 11.300 lượt người, đạt 94,2% kế hoạch; ước tính năm 2024 đào tạo được hơn 12.700 người, đạt 105,9% kế hoạch. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chiếm 55%.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo lộ trình đến năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu tuyển sinh và đào tạo tối thiểu cho 13.000 lao động, trong đó đào tạo cho 10.400 lao động nông thôn; đào tạo lao động có tay nghề cao là 6.250 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 50%.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2030, Lào Cai tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức tư vấn trực tiếp đến tận thôn, bản, tổ dân phố thông qua đội ngũ cộng tác viên; tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị tuyên vận hằng tháng; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, người lao động tại trung tâm và các xã, cụm xã trên địa bàn với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề gắn với thông tin tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động trực tiếp đến người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tỉnh tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập gắn với thị trường lao động; đồng thời tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số ngành, nghề lĩnh vực mang tầm quốc tế; chuẩn hóa hiện đại về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Lào Cai cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo lao động nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số
Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, ông Đinh Văn Thơ, trong năm 2024, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo.
Lào Cai cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác triển khai các chương trình lao động, việc làm, dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác dự báo cung - cầu lao động, các phiên giao dịch việc làm...
Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai cho biết: Theo kế hoạch năm 2024, Trung tâm tổ chức 69 phiên giao dịch việc làm chủ yếu là các phiên giao dịch trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại 10 xã nghèo nhất của tỉnh, các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động này là cơ hội giúp người lao động, đặc biệt người nghèo, cận nghèo, được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề; nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp.
Dự kiến đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 13.270 người, trong đó, có khoảng 7.960 người lao động là người dân tộc thiểu số (tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2023). Ước cả năm 2024, Lào Cai sẽ giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, trong đó có khoảng 9.000 người lao động là dân tộc thiểu số.
Nhờ các giải pháp đó, nhiều lao động ở vùng núi đã có được việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Điển hình là trường hợp của anh Sùng A Lơ, ở xã Dền Thàng, huyện Bát Xát (một trong 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai) đã tham gia phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã Dền Thàng. Anh Sùng A Lơ đã tìm được việc làm với trình độ lao động phổ thông trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Luxshare - ICT Bắc Giang, thuộc khu công nghiệp Bắc Giang. Mức thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng, đã giúp gia đình anh vơi đi nhiều khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Làm chung Công ty với anh Lơ, anh Trà A Vảng, ở xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà) cho biết: "Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, tôi tìm được công việc ổn định với mức thu nhập trung bình hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Tôi thấy môi trường làm việc ở đây sạch sẽ, an toàn nên mong muốn được gắn bó lâu dài".
Anh Lơ và anh Vảng là hai trong khoảng 4.600 người Lào Cai đang làm công nhân tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang được ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; mức thu nhập bình quân từ 9 dến 12 triệu đồng/người/tháng. Tỉnh Lào Cai hiện có gần 25.700 người làm việc ở ngoài tỉnh. Các phiên giao dịch việc làm, các hội nghị xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho người lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Tính đến hết tháng 11/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 66 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố, đạt xấp xỉ 96% kế hoạch năm 2024; giới thiệu, kết nối việc làm cho 1.624 người lao động; tạo việc làm mới cho 748 lao động, đạt 98% kế hoạch năm 2024.