Lập danh sách ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng cung ứng hàng hóa thiết yếu

Ngày 5/8, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc đã ký văn bản gửi các huyện, thành phố và các tổ chức quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về việc tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng cung ứng hàng hóa thiết yếu tại chợ.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện "5K" tại điểm bán hàng hóa thiết yếu bình ổn của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Theo đó, nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, khống chế, kiểm soát tốt việc phòng, chống dịch tại các chợ, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị lập danh sách đối tượng tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên khi được Sở Y tế Đồng Nai cung ứng vaccine tiêm chủng.
 
Riêng đối với Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân kinh doanh tại chợ trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai kiến nghị Sở Y tế Đồng Nai điều phối, phân bổ số lượng vaccine về huyện Thống Nhất để thực hiện tiêm cho đối tượng tiêm chủng.
 
Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai còn hướng dẫn việc di chuyển của đội ngũ người giao/nhận hàng hóa (shipper) trong thời gian Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo đó, đối với đội ngũ shipper phải đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành doanh nghiệp cấp cho shipper, đơn hàng giao/nhận.
 
Cụ thể, đối với shipper là nhân viên của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh giao/nhận hàng hóa, khi lưu thông trên đường, shipper phải mặc đồng phục và thùng hàng có logo doanh nghiệp đeo băng tay (nền xanh, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ shipper màu trắng); bảng tên thẻ cứng có hình và giấy xác nhận của doanh nghiệp cho từng người; phải sử dụng ứng dụng quản lý đơn hàng, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ theo quy định của Bộ Y tế), giấy nhận diện do Sở Giao thông vận tải cấp cho phương tiện hoạt động.
 
Đối với các shipper là nhân viên, hợp đồng ngắn hạn, tình nguyện viên của các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức xã hội sử dụng shipper khi lưu thông trên đường được nhận diện và phải có các loại giấy tờ kèm theo tương tự những các đơn vị chuyên kinh doanh giao/nhận hàng hóa.
 
Về thời gian hoạt động sẽ trong khung giờ từ 6-18 giờ mỗi ngày. Thời gian cụ thể do các doanh nghiệp đăng ký với Sở Giao thông vận tải và được xác nhận. Về hàng hóa vận chuyển, shipper chỉ được vận chuyển hàng hóa cho cá nhân, tổ chức và người tiêu dùng đặt theo đơn hàng đã được người mua đặt.
 
Về địa bàn hoạt động, shipper vận chuyển hàng hóa trên địa bàn nhất định, mỗi người chỉ làm việc trên địa bàn một phường/xã, thành phố/huyện. Shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chỉ được phép di chuyển liên phường/xã, thành phố/huyện do doanh nghiệp đăng ký và Sở Giao thông vận tải xác nhận.
 
Sở Công Thương là đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy nhận diện cho shipper hoạt động. Sau đó, tổng hợp chuyển cho Sở Giao thông vận tải cấp giấy trong thời gian 12 giờ kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Tiếp theo, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp giấy nhận diện trong thời gian 24 giờ theo danh sách của Sở Công Thương cung cấp.
 
Các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng yêu cầu shipper phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong khi tham gia giao thông và tại các điểm giao/nhận hàng hóa theo đúng quy định; chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng nhân viên giao hàng, và ứng dụng công nghệ nhận diện thông qua mã QR.
 
Doanh nghiệp sử dụng shipper định kỳ đăng ký số lượng nhân viên tham gia và báo cáo tình hình hoạt động hàng ngày, cụ thể là số lượng shipper của đơn vị tham gia vận chuyển. Ngoài ra, các đơn vị này chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng vi phạm về mục đích vận chuyển và không đảm bảo các yếu tố phòng dịch trong quá trình hoạt động.
 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng đã gửi văn bản cho Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, UBND các huyện, thành phố, hội, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quản lý siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp, một số đơn vị bưu chính trên địa bàn tỉnh về việc kết nối tiêu thụ rau củ, trái cây tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.
 
Trên cơ sở báo cáo về tình hình hoạt động của Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây vào những ngày gần đây và công tác đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại chợ, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu đối với mặt hàng rau củ, trái cây, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai sẽ cung cấp thông tin các thương nhân bán sỉ tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây và đề nghị các đơn vị nói trên hỗ trợ thông tin đến các đơn vị phân phối, bán hàng thiết yếu, các bếp ăn tập thể trên địa bàn hoặc trong khu vực, phạm vi phân cấp quản lý kết nối tiêu thụ rau củ, trái cây tại chợ.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Cấp thiết tiêm vaccine cho lái xe vận tải
Cấp thiết tiêm vaccine cho lái xe vận tải

Trong văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Công thương cho biết, việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, cung ứng phục vụ đời sống, sản xuất trong thời gian giãn cách chủ yếu do nhận thức, đánh giá của các địa phương về vai trò của lực lượng lái xe vận tải chưa phù hợp. Do vậy, việc ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe vận tải hiện nay là yêu cầu cấp thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và đảm bảo lưu thông thông suốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN