Đặc biệt, vào giữa tháng 4, lốc xoáy đã gây thiệt hại cây trồng, nhà cửa ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Bình Phước tuy không chịu ảnh hưởng thiếu nước do nắng nóng, hạn hán trong mùa khô năm nay nhưng những cơn mưa kèm dông lốc đã gây thiệt hại đáng kể về cây trồng của nhân dân trong tỉnh.
Theo thống kê, lốc xoáy khiến 36 căn nhà bị tốc mái, trong đó huyện Đồng Phú 2 căn, Phú Riềng 19 căn, Bù Đăng 10 căn, Bù Đốp 1 căn và Lộc Ninh 4 căn. Diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là hơn 101 ha, trong đó 62,64 ha ở mức độ thiệt hại từ 30-100% (8,55 ha cao su; 49,55 ha điều; 0,3 ha tiêu; 4,24 ha cây ăn trái như sầu riêng, mít).
Trong các đợt lốc xoáy, ở thị xã Phước Long có hơn 100 tấn sầu riêng bị rụng trái non, trị giá khoảng 5 tỷ đồng; gãy đổ 30 cây sầu riêng và 1.000 cây cao su trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Đây là diện tích sầu riêng thuộc 15 hộ xã viên hợp tác xã Bàu Nghé, xã Phước Tín.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình thời tiết để người dân biết, chủ động ứng phó.
Các đơn vị liên quan khẩn trương huy động lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Việc dự báo thiên tai, thời tiết cần thực hiện thường xuyên để cập nhật thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ. Chính quyền các cấp, các đoàn thể vận động người dân cần chú ý đề phòng, chủ động chằng chống, gia cố, tu sửa nhà cửa, thực hiện các biện pháp bảo vệ hoa màu, cây trồng, vật nuôi, nhà xưởng, nhà vườn…
Các địa phường cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc xoáy, sét và gió giật mạnh, chuẩn bị đầy đủ mọi phương án phòng tránh để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tại khu vực suối Rạt - nơi thường xuyên bị lũ lụt, để tránh thiệt hại về người và tài sản, hoa màu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiến nghị UBND tỉnh xây dựng bản đồ ngập lụt và kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin, hỗ trợ giám sát, cảnh báo lũ sớm tại suối Rạt trên địa bàn huyện Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Việc này nhằm xác định được lũ về trước ít nhất từ 3 - 6 giờ để cảnh báo sớm cũng như thực hiện di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.