Ám ảnh những con kênh đen kịt, đặc quánh
Kênh An Hạ, kênh Thầy Cai, kênh Ranh… là những dòng kênh chảy qua địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Hải Sơn, Khu công nghiệp Tân Đức... Những năm gần đây, người dân sống gần khu vực con kênh này chảy qua thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống. Những lúc thủy triều lên, nước trên kênh lớn hơn và có màu xám, còn lúc thủy triều rút xuống, dòng kênh đen kịt, đặc quánh. Trên bề mặt dòng nước, có nhiều vết dầu loang và bốc mùi hôi thối.
Anh Trần Quốc Quang, người dân sinh sông ven kênh An Hạ (ấp Bình Tiền, xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa, Long An) cho biết: Chỉ những ngày nghỉ Tết, khi các công ty, nhà máy ngưng hoạt động thì nước kênh An Hạ mới bớt hôi một chút. Còn bình thường, nước kênh lúc nào cũng đen ngòm, bốc mùi hôi thối do nước thải từ các cống ven kênh đổ vào. Người dân phải chịu đựng suốt thời gian dài và rất bức xúc.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt còn khá phổ biến tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Kết quả quan trắc chất lượng nước trên các tuyến sông lớn chảy qua địa bàn từ năm 2016-2020 cho thấy, nồng độ oxy hòa tan nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch chính dao động trong khoảng 1,5 - 5,6 mg/l, khá thấp và không đạt quy chuẩn so sánh tại hầu hết các vị trí quan trắc. Nồng độ BOD5 (chỉ tiêu sinh lý hóa quan trọng nhất của nước) từ 6,66 - 29,42 mg/l, vượt quy chuẩn từ 1,1 - 4,9 lần. Nồng độ amoni là khoảng 0,09 - 5,37 mg/l, vượt quy chuẩn so sánh 1,03 -17,9 lần. Nồng độ tổng dầu mỡ một số tuyến kênh có hàm lượng tăng đột biến, trong đó trên kênh Thầy Cai năm 2020, hàm lượng này vượt 2,76 lần so với quy chuẩn…
Cùng với ô nhiễm nguồn nước, vấn đề chất thải rắn đang đặt ra nhiều thách thức với tỉnh Long An. Hiện chất thải rắn công nghiệp có lượng phát sinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.900 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại gần 390 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh khoảng 570 - 590 tấn/ngày, chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 4,8 tấn/ngày… Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn phát sinh trong các lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế… của Long An sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2025, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 2.400 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại khoảng 484 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.100 tấn/ngày, chất thải rắn y tế khoảng 6,7 tấn/ngày...
Trong khi đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn Long An gặp không ít khó khăn như: chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại tại nguồn, việc thu gom chưa triệt để, năng lực xử lý của các nhà máy trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu…
Bên cạnh vấn đề ô nhiễm nguồn nước và rác thải sinh hoạt, các lĩnh vực môi trường như không khí, nguồn nước ngầm, đất… cũng đang chịu nhiều sức ép từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp cũng gây ra không ít hệ lụy đối với môi trường.
Áp lực và những khó khăn
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục phải đối phó với nhiều thách thức trong lĩnh vực môi trường do áp lực tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu sử dụng tài nguyên lớn làm gia tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường. Hậu quả chung của sự biến đổi khí hậu toàn cầu và điều kiện kinh tế, hạ tầng kỹ thuật môi trường thấp, trong khi đó nhu cầu cần thiết về kinh phí, năng lực đầu tư để giải quyết các vấn đề về môi trường đang ngày càng tăng cả về quy mô, mức độ và tính phức tạp.
Cụ thể, theo định hướng phát triển, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Long An có 25 đô thị. Quá trình đô thị hóa khiến cho địa phương phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng môi trường và ngăn chặn, giảm thiểu suy thoái tài nguyên, đặc biệt là chất lượng môi trường sống tại các đô thị. Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, trên địa bàn hiện tập trung rất nhiều cơ sở công nghiệp nhiều loại hình khác nhau, gây tác động đến môi trường ở những khía cạnh và mức độ khác nhau (ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, khói, bụi, tiếng ồn, giao thông, ô nhiễm nhiệt độ, độ ẩm...) làm cho các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đây là một trong những nguồn ô nhiễm khó kiểm soát, dễ phát tán và tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân và môi trường tự nhiên.
Môi trường tiếp nhận nước thải công nghiệp là hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh và cũng là nguồn cung cấp nước phục nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu và nhu cầu sinh hoạt của một số khu vực dân cư sống ven sông. Trong tương lai, nếu việc xây dựng hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì nguồn tiếp nhận sẽ chịu áp lực rất lớn về vấn đề nước thải, nồng độ chất ô nhiễm ngày càng gia tăng, thành phần các chất ô nhiễm ngày càng phức tạp…
Trong khi đó, hoạt động bảo vệ môi trường của ngành chức năng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như nguồn nhân lực chưa đảm bảo; tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn khó khăn; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vì lợi nhuận nên chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cố tình xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.
Xây dựng danh mục 12 đề án, chương trình bảo vệ môi trường
Với những thách thức đặt ra như trên, trong những giai đoạn tiếp theo đòi hỏi tỉnh Long An phải tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Long An Nguyễn Tân Thuấn, tỉnh đã đề ra nhiều định hướng cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2026. Trong đó, chú trọng xây dựng và thực hiện đề án, chương trình bảo vệ môi trường tương ứng để khắc phục các vấn đề bức xúc về môi trường. Các ngành chức năng tập trung xác định dự án cần ưu tiên quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ trong quá trình vận hành thử nghiệm; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp đối với từng nhóm đối tượng được phân chia theo danh mục mức độ ô nhiễm. Tỉnh tiếp tục thực hiện xã hội hóa kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn; tập trung xử lý địa điểm ô nhiễm bãi rác thải; hỗ trợ các huyện xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước mặt tại các kênh rạch.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí, xây dựng báo cáo chuyên đề về môi trường và tổng hợp số liệu về môi trường hàng năm, trong đó có rà soát, đánh giá, đề xuất vị trí và tần suất quan trắc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương…
Long An cũng đã xây dựng danh mục 12 đề án, chương trình bảo vệ môi trường tương ứng để khắc phục các vấn đề bức xúc về môi trường trong giai đoạn tiếp theo, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: thực hiện phân loại rác tại nguồn; xử lý các địa điểm ô nhiễm; nạo vét kênh mương bị ô nhiễm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ quản lý môi trường; tăng cường tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng và vấn đề xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường…