Hiện nay, dọc tuyến biên giới giáp ranh với Campuchia, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An chỉ đạo các Đồn Biên phòng kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, gia cầm giao thương qua lại biên giới.
Tại Đồn biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng), đơn vị đã chủ động xây dựng các kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền vận động bà con trên tuyến biên giới. Tại các lối mở, cửa khẩu phụ Tân Hưng đều được Đồn biên phòng phân công chiến sĩ nhắc nhở người dân qua lại biên giới về hậu quả dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bà con vùng biên.
Đại úy Nguyễn Hùng Cường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng), cho biết, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng đã đến từng nhà, từng hộ gia đình tuyên truyền bà con về tác hại của dịch bệnh H5N1; đồng thời, khuyên bà con hạn chế qua lại biên giới trong mùa dịch để mua bán, vận chuyển gia cầm.
Còn tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), lãnh đạo đơn vị chỉ đạo cho cán bộ, chiến sĩ ở trạm biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát người xuất nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam; kiểm tra kỹ hàng hóa, tránh trường hợp đối tượng, hành khách nhập cảnh gia súc, gia cầm từ Campuchia về mang mầm bệnh vào Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, cho hay, đến nay qua kiểm tra, kiểm soát đơn vị chưa phát hiện hành khách nhập cảnh gia cầm từ Campuchia về. Đó là kết quả của việc phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND 2 xã Bình Hiệp và Bình Tân với các ban, ngành đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong quá trình tham quan qua lại thăm thân, mua bán hàng hóa tuyệt đối không mua bán gia súc, gia cầm để tạo nguy cơ về lây nhiễm H5N1 vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Trưởng trạm thú y thị xã Kiến Tường, thì cùng với các lực lượng chức năng kiểm tra khu vận chuyển mua bán ở đường mòn, lối mở, đặc biệt là khu biên giới, kể cả vịt chạy đồng, Trạm thú y cũng tổ chức tiêm phòng, triển khai khử trùng tiêu độc tại hộ kinh doanh, mua bán ở chợ và những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, Trạm thú y tuyên truyền vận, động bà con khi chăn nuôi gia cầm, phải biết rõ nguồn gốc và nhất là không ăn thịt gia cầm chết, ăn tiết canh. Khi có triệu chứng dịch bệnh, báo cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng, hiện ngành nông nghiệp luôn luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, đặc biệt là quản lý thị trường để đảm bảo bên ngoài vùng biên và bên trong nội địa vừa kiểm soát tình hình trâu, bò qua biên giới, vừa kiểm soát được cúm gia cầm, không để phát sinh lây lan dịch bệnh trên bệnh trên địa bàn tỉnh.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo các trạm thú y trên địa bàn các huyện tuyến biên giới hết sức là cảnh giác về vấn dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1. Nếu lơ là trong phòng, chống dịch sẽ làm ảnh hưởng, lây lan dịch bệnh, trong khi sản xuất nông nghiệp đang dần khôi phục sau tình hình dịch COVID-19”, bà Đinh Thị Phương Khanh, cho biết thêm.
Hiện UBND tỉnh Long An đang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng siết chặt kiểm tra tại tuyến biên giới. Theo đó, các ngành chức năng đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, thường xuyên tuần tra giám sát đường biên giới với Campuchia kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia và có biện pháp dự phòng phù hợp đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân biết về cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các đơn vị giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh kể cả trên gia cầm và trên người.
Long An hiện có tổng đàn gia cầm khoảng hơn 6,5 triệu con. Tỉnh dự kiến tiêm phòng miễn phí khoảng 150.000 liều cho những hộ nuôi nhỏ, lẻ dưới 2.000 con. Riêng những hộ nuôi với quy mô lớn trên 2.000 con, người nuôi phải mất phí tiêm phòng theo quy định chung của ngành nông nghiệp.