Long An tăng cường quản lý chất thải rắn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, do tác động của quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến môi trường của địa phương.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Nguyễn Nam/TTXVN

Hiện, chất thải rắn công nghiệp có lượng phát sinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh khoảng 1.900 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại gần 390 tấn/ngày; chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh khoảng 570 – 590 tấn/ngày; chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 4,8 tấn/ngày… Lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom đạt khoảng 96% tại các khu vực đô thị, còn khu vực nông thôn chỉ đạt dưới 50%; chất thải rắn y tế được thu gom đạt 95%; chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu gom khoảng 90%; chất thải rắn công nghiệp nguy hại thu gom đạt khoảng 90%.

Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn phát sinh trong các lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế… của Long An sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2025, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 2.400 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại khoảng 484 tấn/ngày; chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.100 tấn/ngày; chất thải rắn y tế khoảng 6,7 tấn/ngày...

Trong khi đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn Long An gặp không ít khó khăn như: chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại tại nguồn, việc thu gom chưa triệt để, năng lực xử lý của các nhà máy trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các chủ nguồn thải phát sinh lượng chất thải nguy hại ít do không tìm được đơn vị có chức năng xử lý để ký hợp đồng chuyển giao; các lò đốt xử lý chất thải rắn y tế ở nhiều đơn vị có dấu hiệu xuống cấp, chất lượng khí thải không đạt tiêu chuẩn quy định; công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế từ các trạm y tế xã về các trung tâm y tế huyện để xử lý còn nhiều khó khăn về phương tiện, kinh phí…

Bên cạnh đó, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, các thói quen như vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước... chưa được loại bỏ; ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, cơ sở sản xuất còn thấp, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường.

Theo UBND tỉnh, thời gian tới Long An sẽ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện xã hội hóa kêu gọi xây dựng thêm nhà máy xử lý chất thải rắn ở các huyện Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xử lý địa điểm ô nhiễm bãi rác thải trên địa bàn huyện Bến Lức và huyện Đức Huệ; tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh quy mô cấp huyện, đảm bảo thu gom triệt để hạn chế gây ô nhiễm môi trường; thí điểm phân loại rác tại nguồn và xử lý chất thải rắn; giám sát chặt chẽ công tác thu gom, vận chuyển rác thải của các đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra hoạt động thu gom, xử lý rác thải công nghiệp của các đơn vị hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, Long An tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp...

Bùi Giang (TTXVN)
Cải cách quản lý chất thải rắn, thiết lập ngành công nghiệp tái chế
Cải cách quản lý chất thải rắn, thiết lập ngành công nghiệp tái chế

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN