Tại cuộc đối thoại, hầu hết doanh nghiệp kiến nghị những vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là những quy định liên quan đến thủ tục hành chính, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư; giãn tiến độ đầu tư từ 12 tháng lên 24 tháng trở lên; thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính; đóng tiền thuê đất hàng năm; hồ sơ môi trường, thủ tục cấp đầu tư cũng như nguồn vốn…
Đại diện Tập đoàn Thắng Lợi đặt tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước cho rằng, hiện nay việc xác nhận chuyển nhượng 60% và giữ lại 40% khi chưa hoàn thành hạ tầng xã hội đang bị các ngành chức năng rà soát và ngưng thực hiện. Tập đoàn kiến nghị đối với phần đất các công trình hạ tầng xã hội, nếu nhà đầu tư chưa cần thực hiện đầu tư đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính và hạ tầng kỹ thuật thì có thể bàn giao cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng để sau này tổ chức đấu giá, đấu thầu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước hoặc trực tiếp đầu tư xây dựng theo nhu cầu thực tế, sự phát triển của địa phương.
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất để nhà đầu tư hực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Cụ thể, rút ngắn thời gian thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn đơn vị thẩm định giá; quy định thời gian thông qua Hội đồng thẩm định giá khi đơn vị tư vấn có chứng thư, thời gian trình, thẩm định, phê duyệt nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những dự án bị thu hồi hoặc tạm dừng hoạt động để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có cơ sở thực hiện. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn trong quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy khi triển khai thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Thông tư 06/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/11/2022 ban hành QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình…
Sau khi lãnh đạo các sở, ngành và địa phương giải đáp và làm rõ các vấn đề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thời gian qua dù tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa thể giải quyết triệt để những khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh luôn thấu hiểu, chia sẻ với những trở ngại, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các kế hoạch, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư một cách quyết liệt, thống nhất ở tất cả nội dung, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, ứng dụng tư duy quản lý mới phù hợp với xu thế của nền kinh tế nhằm nhanh chóng thích ứng và hội nhập, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn các huyện Cần Giuộc và Cần Đước có khoảng 2.260 doanh ngiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 88.000 tỷ đồng (chiếm 25% vốn đăng ký và chiếm 14% số lượng doanh nghiệp toàn tỉnh). Riêng quý I/2023, huyện Cần Giuộc thành lập mới 34 doanh nghiệp, nhưng có đến 34 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 16 doanh nghiệp giải thể; huyện Cần Đước thành lập mới 27 doanh nghiệp, tạm dừng hoạt động 10 doanh nghiệp và 3 doanh nghiệp giải thể .