Thượng tá Kiều Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 350 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 19, Sư đoàn 9 Bộ Tư lệnh Quân khu cơ động từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế để giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống. Các lực lượng sẽ tập trung vệ sinh môi trường ở các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình xung yếu, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa... tại các vùng ngập lụt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gây nên những thiệt hại và mất mát về tài sản, con người. Xác định khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ của người lính trong thời bình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động toàn lực tham gia cứu trợ nhân dân ở vùng bị ngập lụt, cứu hộ bà con ở vùng bị chia cắt, đồng thời tiếp tục triển khai các phương án cứu nạn tại các khu vực bị sạt lở.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động các lực lượng khắc phục hậu quả sau lũ lụt, giúp người dân mau chóng ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất. Riêng trong đợt này, lực lượng vũ trang tỉnh huy động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng công an, biên phòng ra quân dọn dẹp và khắc phục hậu quả sau lũ lụt, bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh phòng dịch sau lũ. Hiện nay, các lực lượng đã triển khai trên toàn tuyến với phương châm "nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đó".
Mưa lũ ở Thừa Thiên – Huế đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong Đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), 15 người mất tích tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người bị thương. Mưa lũ cũng làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng…
Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tích cực giúp địa phương dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi nước rút. Các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến những nơi nước đã rút để giúp địa phương dọn dẹp các trục đường liên thôn, liên xã để khơi thông dòng chảy, tránh gây ra ngập lụt do bị tắc tại các con sông, cửa lạch; tập trung giúp đỡ các trường mầm non, tiểu học để các trường nhanh chóng đón học sinh trở lại học tập nhanh nhất. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai cho các đơn vị nắm chắc tình hình của người dân sau lũ để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn và người già để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Trong thời gian mưa lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; điều động 451 lượt phương tiện ô tô, 267 lượt tàu xuồng, 27 lượt xe thiết giáp để giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng 500 thùng mì tôm, 3 tấn gạo và 100 thùng nước lọc để cứu trợ nhân dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh.