Liên tiếp trong thời gian gần đây, tại Vĩnh Phúc xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, hàng trăm các ao, hồ, đầm, ngòi, sông, suối... ở khu vực đồi rừng hoặc vùng lân cận cũng khô hạn. Điều này ảnh hưởng lớn đến phòng cháy, chữa cháy rừng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân các địa phương.
Trận mưa lớn trên diện rộng ở nhiều địa phương bắt đầu lúc hơn 15 giờ đến gần 17 giờ, cộng với một số trận mưa nhỏ vài ngày trước đã khắc phục được tình trạng khô hạn trên diện tích rộng lớn ở các đồng ruộng, các cánh rừng, hệ thống ao, hồ, đầm… trên địa bàn tỉnh.
Trận mưa lớn nêu trên còn giúp Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha và hàng nghìn ha rừng sản xuất… của người dân các địa phương giảm nguy cơ cháy do khô hạn từ nhiều tháng nay. Người dân ở nhiều làng, xã địa hình cao, nhất là các địa bàn vùng đồi núi ở Vĩnh Phúc có cơ hội khai thác nguồn nước sinh hoạt từ nguồn nước mưa trực tiếp và các giếng khơi, giếng khoan tại gia đình…
Do có nguồn nước mưa, hệ thống ao, hồ, đầm, kênh mường, đồng trũng… có mực nước phù hợp, nông dân phát triển các nguồn lợi thủy sản, giảm thiệt hại do khu khoanh nuôi cạn nước và thời tiết nắng nóng quá mức gây chết tôm, cá của người dân. Mưa còn giúp nông dân tiết kiệm được công sức và tiền bạc mua vật tư, máy bơm, nhiên liệu để bơm nước, trữ nước nhằm phó với hạn hán khắc nghiệt.
Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 7.000 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Đảo... Nhờ tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đầu năm đến nay, sản xuất thủy sản của tỉnh phát triển tốt và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 với tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.900 tấn, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với nắng nóng, khô hạn, diễn biến thất thường của thời tiết.