Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, sang năm mới 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tính đột phá như năng lượng, du lịch; các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng sạch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế đô thị…
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng cảng biển, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch và các dự án có hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao, lao động kỹ thuật tiên tiến, tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dự án vào các khu công nghiệp Cà Ná, các cụm công nghiệp Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có giá trị gia tăng và tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, sạch, bền vững...
Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư; ưu tiên các hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, lồng ghép và gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan.
Tỉnh cũng xem trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án triển khai một cách thuận lợi; đồng thời chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2022, tỉnh đã dự kiến kinh phí 4,3 tỷ đồng để tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư. Cụ thể, tăng cường nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư qua việc kết nối với các đối tác đầu tư bằng hình thức trực tuyến và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; xác định rõ nhu cầu của từng đối tác để có phương thức, hình thức tổ chức xúc tiến mới mẻ, đột phá, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh tìm kiếm, khảo sát, tổng hợp thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, có tiềm năng hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới; tăng cường tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút đầu tư; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác của tỉnh với các nước, tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng hình ảnh quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; liên kết website xúc tiến đầu tư với Cục Đầu tư nước ngoài, các Trung tâm Xúc tiến đầu tư của các cơ quan trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh của Ninh Thuận đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiểu rõ về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Hơn nữa, tỉnh sẽ phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc Ban chỉ đạo Điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các thành phố tiềm năng khác có ký kết chương trình liên kết hợp tác với tỉnh để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực… để kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư vào tỉnh.
Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thành lập tổ công tác để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình xúc tiến đầu tư, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là đối với dự án có quy mô lớn.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đang xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là dịch bệnh bùng phát trở lại tại tỉnh nên nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp của tỉnh phải tạm dừng hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến; đồng thời vẫn tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng; chấp thuận đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 9.449 tỷ đồng; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn hơn 7.100 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm cho 22 dự án với tổng vốn đăng ký gần 36.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án Khu đô thị mới Phủ Hà, Mỹ Phước, Đầm Cà Ná, bờ Sông Dinh với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư đã vượt qua khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo.