Nam Định nâng tầm sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Nam Định đang mang lại những hiệu quả rõ nét.

Chú thích ảnh
Đông trùng hạ thảo - Sản phẩm OCOP 3 sao huyện Hải Hậu. Ảnh: Văn Đạt

Nhiều sản phẩm có nguồn gốc địa phương được người tiêu dùng đón nhận, có chỗ đứng trên thị trường. Hiện, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đang được tỉnh chú trọng triển khai để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng hải sản của Hợp tác xã Khang Tường, xã Giao An, huyện Giao Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã còn lập website để giới thiệu sản phẩm, tận dụng các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo để giới thiệu và bán hàng.

Bà Doãn Thị Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Khang Tường cho biết, thời gian đầu của dịch bệnh COVID-19, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu bán hàng, nhưng nhờ áp dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các mặt hàng của hợp tác đã dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn. Năm 2020-2022, doanh số bán hàng, lợi nhuận của hợp tác xã tăng gấp đôi so với những năm bán hàng theo phương thức truyền thống.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ngoài việc tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, thành lập website, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Hợp tác xã Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy còn tích cực đến các cửa hàng thực phẩm sạch, tiếp cận hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận để chào hàng.

Bà Mai Thị Nhung, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc cho biết, năm 2017, hợp tác xã đã thuê trên 50ha diện tích đất lúa của người dân xã Giao Tân để đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: rau ngót, rau cải, dưa lê và một số loại cây ăn quả như chuối, nhãn... Khoảng 3 năm đầu, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Để các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, ngoài việc sử dụng các loại phân bón hợp lý, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm chống thoái hóa đất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hợp tác xã còn đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc Mai Thị Nhung, hiện nay các sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng trong các siêu thị Co.op Mart, Vinmart và chuỗi các cửa hàng nông nghiệp sạch tại Nam Định. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng sản xuất, HTX rất mong muốn chính quyền địa phương tăng cường tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP để hợp tác xã có thể tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn nữa.

Huyện Giao Thuỷ có 86 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, huyện đã đề ra cơ chế hỗ trợ với sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao là 20 triệu đồng, sản phẩm 4 sao là 30 triệu đồng và sản phẩm 5 sao là 50 triệu đồng. Đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ áp dụng công nghệ vào sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch để các sản phẩm có điều kiện tiếp cận hệ thống các cửa hàng sạch, các siêu thị.

Ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thuỷ cho biết, để tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP, huyện đã thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương trên địa bàn huyện, tỉnh Nam Định, cũng như các tỉnh khác nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Tỉnh Nam Định hiện có 251 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 9 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử OCOP của tỉnh; duy trì cập nhật thông tin thị trường trên trang điện tử, bản tin ngành công thương.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cũng thường xuyên đăng tải thông tin sản phẩm OCOP của địa phương lên các website của ngành như: ocopvietnam.gov.vn; sàn thương mại điện tử Nam Định; PostMart.vn; Voso.vn. Từ năm 2019 đến nay, đã tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương.

Ông Vũ Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khẳng định, chương trình OCOP tại Nam Định đang mang lại những hiệu quả rõ rệt cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP để tiếp cận nhiều hơn nữa với khách hàng, giúp sản phẩm có đầu ra ổn định.

Công Luật
Nam Định: Khởi công tuyến đường nối các vùng kinh tế
Nam Định: Khởi công tuyến đường nối các vùng kinh tế

Ngày 24/12, tại xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, UBND Nam Định khởi công xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Đây là tuyến đường kết nối phát triển các vùng kinh tế trong tỉnh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN