Nam Định thích ứng linh hoạt, nỗ lực thực hiện 'mục tiêu kép'

Ngày 2/12, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã kết thúc sau hai ngày làm việc. Kỳ họp thông qua chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và các đề án, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã có 11/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước thực hiện cả năm đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng cao so với năm 2020 như: Sản xuất công nghiệp tăng 14%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 2,6 tỷ USD, tăng trên 18%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.325 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và tăng gần 5% so với năm 2020. Tuy nhiên, ba chỉ tiêu về: Tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh (giá so sánh năm 2020) mới đạt khoảng 7,7-8,2% (tính đến ngày 24/11), không đạt kế hoạch năm 2021 là bằng hoặc hơn 8,5%. Các chỉ tiêu về tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội; cơ cấu kinh tế trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng, dịch vụ cũng không đạt kế hoạch năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, nguyên nhân các chỉ tiêu trên không đạt kế hoạch đề ra là do tác động lớn của đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như: Du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải. Nguồn thu ngân sách còn hạn chế trong khi phải đảm bảo nhiều khoản chi phát sinh cho công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội; điều hành ngân sách gặp nhiều khó khăn...

Năm 2022, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2020) tăng từ 8,5-9,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 16,5% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.600 tỷ đồng.

Nhằm thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xây dựng và hoàn thành các công trình trọng điểm, tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Đảm bảo điều kiện thích ứng, phát triển

Tại kỳ họp này, các đại biểu đã quan tâm, chất vấn, đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến việc đảm bảo các điều kiện để thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển trong bối cảnh mới.

Trả lời đại biểu HĐND tỉnh về công tác an toàn phòng dịch, hoàn thành nội dung chương trình năm học 2021-2022 và đảm bảo chất lượng giáo dục trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cho hay, ngay từ đầu năm học, Sở đã xây dựng kịch bản phòng, chống dịch trong mọi cấp độ nhằm chủ động dạy và học.

Nếu dịch ở mức độ 1 và mức độ 2 (dịch được kiểm soát), các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp, thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng dịch, tạo môi trường sạch sẽ, an toàn; tạm thời dừng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung toàn trường như: chào cờ, thể dục giữa giờ, hoạt động trải nghiệm. Trường hợp dịch ở mức độ 3 trở lên (nguy cơ cao đến rất cao), các trường dạy học trực tuyến, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giao nhiệm vụ, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học trực tuyến, tự học ở nhà...

Giải đáp câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh về nhiệm vụ, hiệu quả của chuyển đổi số, thích ứng với điều kiện làm việc mới hiện nay, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế khẳng định: Chuyển đổi số, kinh tế số, làm việc trực tuyến là xu hướng tất yếu của sự phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay thì chuyển đổi số càng giữ vai trò quan trọng.

Hiện Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đưa các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh đã có thể mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên mạng. Tính kết nối, công khai minh bạch thông tin, nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công thuận lợi... Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, chuyển đổi số là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh Nam Định đã thống nhất thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng như: Định mức, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Nam Định; kế hoạch đầu tư công năm 2022; chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư công; danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2022.

HĐND tỉnh Nam Định cũng thông qua Nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở dôi dư sau sáp nhập; đề án phát triển thanh niên tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2030.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Số ca mắc COVID-19 tăng cao, Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng dịch
Số ca mắc COVID-19 tăng cao, Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng dịch

Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau gia tăng, đáng quan tâm là số ca ghi nhận mới trong cộng đồng vẫn chưa ‘‘hạ nhiệt’’. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN