Nam Định xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tỉnh Nam Định đang xây dựng và phát triển chính quyền điện tử nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc để phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển và hội nhập.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Nam Định bấm nút khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh năm 2020.

Tạo nền tảng để phát triển

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, ông Vũ Trọng Quế, cho biết, xây dựng chính quyền điện tử nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ngành, đơn vị; tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ và kiến tạo.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 15/10/2021 về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021 - 2025; ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam VNPT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel...

Nam Định đã xây dựng trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối trục liên thông văn bản quốc gia. Trục liên thông văn bản tỉnh Nam Định hoạt động ổn định, đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể và Nhà nước trên địa bàn tỉnh và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nền tảng LGSP (tích hợp, chia sẻ dữ liệu) tỉnh Nam Định đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của quốc gia (NGSP); kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia. Hiện 100% tài khoản sử dụng các phần mềm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh đã được tích hợp, đồng bộ với hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh (SSO) thông qua tài khoản và mật khẩu của hệ thống thư điện tử công vụ (mail.namdinh.gov.vn)...

Thời gian qua, Nam Định đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước; 100% các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và được kết nối với mạng internet cáp quang băng rộng; 95% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối mạng internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được trang bị máy tính sử dụng trong công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước của tỉnh Nam Định đang được triển khai mở rộng đảm bảo việc kết nối từ tỉnh đến các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn.

Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của tỉnh được xây dựng và đang trong giai đoạn hoạt động thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh. Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung của tỉnh đang từng bước được hình thành hướng tới việc lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nam Định có 495.000 máy tính đang hoạt động; 9.100 doanh nghiệp và 165.000 hộ dân kết nối internet băng rộng; 1.200.000 người dân sử dụng internet; khoảng 80% dân số của tỉnh sử dụng điện thoại smartphone hoặc thuê bao 3G, 4G.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế.

Phục vụ người dân, doanh nghiệp

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cán bộ, nhất là những người làm nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.

Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tỉnh có thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính được tập trung tại một đầu mối ở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nam Định góp phần nâng cao được chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết tình trạng người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi.
Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (dichvucong.namdinh.gov.vn) hoạt động ổn định từ tháng 7/2018 đến nay với hơn 4,3 triệu lượt truy cập và được triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. Tại đây, đã niêm yết công khai 1.730 thủ tục hành chính của tỉnh; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai, thực sự tạo bước chuyển rõ nét trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Nam Định.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.Nam Định học tập trên máy tính.

Nam Định là tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối và chính thức sử dụng dịch vụ liên quan đến người dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tháng 4/2020, Nam Định được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong 7 tỉnh trong cả nước hoàn thành mục tiêu cung cấp 40% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Trần Lê Đoài, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Nam Định, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Nam Định cũng đẩy mạnh việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện ở mức độ 4 trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và kết nối, cung cấp 100% dịch vụ công của tỉnh trên cổng dịch vụ công quốc gia; tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; áp dụng mạnh hình thức thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định../.

Vũ Văn Đạt
Nam Định cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa
Nam Định cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa

Ngày 5/12, Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những kết quả các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN