Sau gần 5 năm triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc và triển khai trên nhiều lĩnh vực. Kết quả cho thấy: Giá trị tăng thêm trong nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5 năm tăng 2,4%/năm, vượt 0,4% so với kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Giá trị sản xuất trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 123,5 triệu đồng năm 2015 lên 162 triệu đồng năm 2020.
Trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã hình thành các khu, vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm chủ lực như: Hành, tỏi thị xã Kinh Môn; cà rốt huyện Cẩm Giàng; vải, ổi huyện Thanh Hà; na, gà đồi và cá lồng ở thành phố Chí Linh và huyện Nam Sách… Các ban, ngành trong tỉnh Hải Dương luôn xác định phát triển sản xuất theo hướng an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap, từ đó nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao, đột phá và vượt trội như: Mô hình sản xuất dưa lưới, rau thủy canh trong nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm cho vùng rau, mô hình sông trong ao, ao nổi… Vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, các sản phẩm đều có giá trị cao trên thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Việc tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật; liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ còn hạn chế, chưa hiệu quả và chưa đảm bảo được tính bền vững. Một số mô hình có số hộ tham gia nhiều nên việc thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương Lê Lương Thịnh cho rằng, để khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, các địa phương cần tiếp tục ứng dụng triệt để hơn các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tại các địa phương với địa hình khác nhau, cần lựa chọn và ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất và năng lực tiếp thu của người dân để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập của người dân.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi, Thú y tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Tịnh, người dân cần xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn để truy xuất nguồn gốc đối với thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Tỉnh cần có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng hộ chăn nuôi liên kết từ tổ chức sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở thực hiện các hợp đồng kinh tế kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp để tổ chức khu vực giết mổ, lưu kho, bãi tập kết sản phẩm.
Bà Trần Thị Thu Hà, Chi cục phó Chi cục Chế biến nông, lâm sản, thủy sản tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, các địa phương cần quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, trong đó cần ưu tiên những loại cây trồng, vật nuôi chủ đạo. Với từng vùng, cần tập trung xây dựng những yếu tố nào trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nội dung và tổ chức quản lý, mỗi hình thức sản xuất có nội dung quản lý khác nhau, phù hợp với mỗi khâu của ngành hàng nông sản, chế biến và tiêu thụ cho từng loại sản phẩm.
Giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp phát huy tối đa những lợi thế sẵn có, đồng thời hạn chế thấp nhất những khó khăn trong nông nghiệp hàng hóa tập trung ở Hải Dương. Những ý kiến đóng góp thiết thực tại hội thảo là cơ sở để các cơ quan chức năng trong tỉnh Hải Dương xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trong những năm tới, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương trong tỉnh.