Tại hội thảo, ông Peter Loach - Giám đốc Quốc gia SNV Việt Nam cho rằng, dự án FLOW/EOWE hỗ trợ nhằm thu hẹp khoảng cách giới bằng cách tập trung vào 3 trụ cột chính là: Thay đổi các chuẩn mực giới; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận kinh tế; tăng cường năng lực của các cơ quan chính phủ và các đối tác liên quan để cải thiện và thực hiện chính sách nhạy cảm giới và vận động tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Phụ nữ khởi nghiệp, tiên phong và thúc đẩy kinh doanh thông qua tăng sự tiếp cận với nguồn đầu vào, công nghệ, tài chính, thị trường và các tài sản trong sản xuất kinh doanh…
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và SNV, những năm qua, từ sự hỗ trợ của SNV thông qua 3 hợp phần đã có tác động tích cực đến vai trò, quyền năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Qua hơn 5 năm triển khai, dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” (FLOW/EOWE) do Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua SNV, nhận thức về hành vi bình đẳng giới được tăng cường.
Cụ thể: 90% phụ nữ trong 3 hợp tác xã tại Ninh Thuận (Hợp tác xã Châu Rế, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú và Hợp tác xã An Xuân) do dự án hỗ trợ đều được tham gia quyết định chi tiêu trong gia đình; phụ nữ được tham gia các nhóm trưởng nhóm sản xuất, tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn và được nam giới chia sẻ gánh nặng việc nhà… Dự án được thực hiện giúp phụ nữ tự tin có tiếng nói riêng, tự chủ về kinh tế và hiểu biết nhiều hơn về quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, phụ nữ được tập trung đầu tư phát triển kinh tế trong môi trường thuận lợi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ khi được tiếp cận dự án do SNV hỗ trợ đều mang lại tính khả thi cao, hiệu quả kinh tế rõ nét. Nhiều phụ nữ vùng dự án và các thành viên trong hợp tác xã đều được hỗ trợ nâng cao nhận thức, hướng dẫn phương thức canh tác, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm…
Tư duy sản xuất của phụ nữ đã dần thay đổi, nhiều chị em biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như chị Châu Thị Xéo - Giám đốc Hợp tác xã Châu Rế ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, với mô hình trồng măng tây xanh trên đất cát. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú ở xã An Hải, huyện Ninh Phước đa phần là phụ nữ tham gia làm mô hình trồng măng tây xanh…, thu nhập của mỗi xã viên từ 7-8 triệu đồng/tháng, tăng trên dưới 5 triệu đồng/tháng so với trước khi tham gia dự án do SNV hỗ trợ.
Nhờ sự hỗ trợ từ dự án, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đã hình thành các mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, đã có 18 hợp đồng mua bán nông sản được ký kết qua các kỳ hội chợ, kết nối sản phẩm. Qua tính toán sơ bộ, thu nhập của 3 hợp tác xã do SNV hỗ trợ điểm khởi nghiệp tăng từ 30-50%, thu nhập năm sau cao hơn năm trước từ 30-50 triệu đồng.
Điều đáng nói hơn là vai trò lãnh đạo của người phụ nữ đã ngày một nâng cao, kiến thức được củng cố, kỹ năng quản lý và lãnh đạo cũng được áp dụng thành công vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Từ đó quyền quyết định của chị em ngày một được khẳng định hơn.
Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” (FLOW/EOWE) được Bộ Hợp tác Phát triển của Vương quốc Hà Lan (DSO) tài trợ. Dự án được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV từ năm 2016 - 2020 tại hai quốc gia là Kenya và Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án đang được SNV và các đối tác Trung ương, địa phương triển khai tại 4 tỉnh: Ninh Thuận; Bình Thuận, Bình Định và Quảng Bình.