Sáng 3/11, tại các vùng lũ, ngập lụt nặng thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên... ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn có sự vào cuộc của lực lượng Quân khu 4.
Từ ngày 28 đến ngày 31/10 tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng để lại hậu quả nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến sáng 3/11, trên địa bàn tỉnh có 9 người chết do mưa lũ (tại các huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương) và có 4 người khác bị thương (ở huyện Thanh Chương và Tân Kỳ).
Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm 1.323 ha lúa, 8.932 ha thủy sản, 9.466 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, hư hỏng; 311 ha cây trồng hàng năm, 319 cây ăn quả, bị gãy đổ; cuốn trôi 243.451 gia cầm, 643 gia súc; 47 điểm trường bị ngập lụt, 20 phòng học bị hư hỏng; 1.310 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 280 nhà bị hư hỏng…
Đến sáng 3/11, tại nhiều tuyến đường và cầu cống trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng sạt lở, ngập nước, hư hỏng chưa thể đi lại được, trong đó có một số tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 46B, 7, 15; tỉnh lộ 534, 543B, 539B; các tuyến đường liên xã, nội xã.
Cùng với đó, tại một số địa phương trong tỉnh đã và đang xuất hiện tình trạng sạt lở núi, trong đó có những khu vực núi nằm gần các trục đường giao thông hoặc các khu dân cư. Đơn cử như các khu vực núi tại xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) bị nứt, rạn, lún; khu vực núi tại xã Nghi Công Bắc (huyện Nghi Lộc) đã xảy ra sạt lở với diện tích 5.000 m2. Đê Kênh thấp đoạn qua xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên đã bị nứt dọc tại tim đê với chiều dài 10m, nước tràn qua đê với tổng chiều dài 1,1 km; đê qua xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương bị sạt lở mái với chiều dài 15m…
Tại Nghệ An, công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương và nhiều hộ dân bị thiệt hại, hạ tầng, nhất là đường giao thông, cầu cống hư hỏng nhiều trong khi lực lượng, phương tiện và nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả còn có hạn.
Hiện nay, cùng với việc triển khai đánh giá, thống kê chính xác mức độ thiệt hại và tập trung các giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ thì dư luận tại Nghệ An, nhất là người dân tại các vùng bị thiệt hại đang mong các ngành chức năng và chính quyền địa phương thông tin sớm, rõ ràng về việc xả lũ hồ thủy điện , đánh giá các tác động cửa việc xả lũ tới vùng hạ du.
Được biết, trên địa bàn Nghệ An có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhãn Hạc A, Châu Thắng) thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả; các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ. Đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết các hồ thủy điện đều tiến hành xả lũ ngay trong thời điểm có mưa. Các nhà máy thủy điện xả lũ khi đã có lệnh và thông báo xả lũ đến các cấp chính quyền địa phương và người dân vùng hạ du bị ảnh hưởng từ các nhà máy này.