Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân ổn định và phát triển, trở lại trạng thái bình thường mới, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và năm 2023. Đáng chú ý, năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,0%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,8 triệu đồng.
Các chính sách về miễn, giảm thuế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, đầu tư phát triển và chính sách tiền tệ được thực hiện hiệu quả. Tổng số thuế giá trị gia tăng đầu ra được giảm trên địa bàn tỉnh là hơn 439 tỷ đồng cho trên 1.315 doanh nghiệp. Tại Lạng Sơn, các chương trình cho vay phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cũng mang lại tín hiệu tích cực. Theo đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 430 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội trên 255,4 tỷ đồng; cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP hơn 52 tỷ đồng…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn cho hay, thời gian tới, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững.
Tỉnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo chính sách của Chính phủ và địa phương...
Tại cuộc giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Triệu Quang Huy nhấn mạnh, Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, các ngành sản xuất đã dần phục hồi nhưng còn chậm, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh và người lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Một bộ phận người lao động thiếu và mất việc làm, thu nhập giảm. Các cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch đất đai, xây dựng, lâm nghiệp, bất động sản, nhà ở, đầu tư còn nhiều điểm nghẽn...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả ngồn vốn đầu tư. Cùng với đó, tăng cường giám sát quá trình, kết quả thực hiện các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.