Hàng năm, người dân trong thôn vẫn đều đặn đóng góp tiền của và ngày công để làm lại cầu mỗi khi xảy ra lũ trên suối Nậm, năm ít thì 1 lần, năm nhiều đến 3 lần để làm cầu tạm đi lại. Mong mỏi có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi và ít rủi ro là nguyện vọng chính đáng của người dân nơi đây.
Với hàng trăm lượt người trong thôn Quăn và Quăn 4 đi lại trên chiếc cầu tạm này hàng ngày, chỉ có những người cứng tay lái mới dám đi qua. Những người tay lái yếu chỉ có cách dắt xe hoặc nếu chở hàng nặng phải nhờ người hỗ trợ, nhưng nếu hỗ trợ cũng chỉ một đến hai người vì nếu đông quá cây cầu không chịu được lực, có thể sập bất cứ lúc nào. Trên chiếc cầu tạm này, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, có trường hợp ngã xuống suối bị sây xát, có người bị gãy chân, gãy tay. Tuy nhiên, nhờ rút ngắn được nhiều thời gian và khoảng cách đi lại hàng ngày của 70 hộ dân ở hai thôn Quăn và Quăn 4, cây cầu tạm bằng gỗ, tre này vẫn là con đường được bà con lựa chọn.
Ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, thôn Quăn 4 cho biết, khó khăn nhất là việc đi lại, phục vụ việc học hành của các cháu học sinh, nhất là vào mùa rét hay mùa mưa lũ khi cây cầu tạm bị cuốn trôi chưa kịp làm lại. Nhiều trường hợp khi đi qua cầu đã không may trượt ngã, gãy cả chân, tay. Nhưng do thuận tiện, người dân vẫn phải lựa chọn đi lại trên cây cầu này cho việc đi lại học hành, đi họp thôn bản hay phục vụ việc sản xuất nông nghiệp...
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi khu vực thôn Quăn và Quăn 4 bắt đầu có đông người dân đến ở, cây cầu tạm này được dựng lên để bà con đi lại. Cây cầu chỉ dài khoảng hơn 20 mét, bề ngang 1 mét nhưng có thể rút ngắn khoảng cách được 2 cây số so với đi đường vòng để qua suối Nậm, người dân trong thôn đã tự đóng góp xây dựng. Thế nhưng, hàng năm, bà con phải làm lại cầu ít thì 1 lần, nhiều 2 - 3 lần, tùy thuộc vào số lần lũ trên suối Nậm, chi phí ước tính mỗi lần làm lại cầu khoảng 7 triệu đồng với hàng trăm cây tre, cây gỗ và ngày công do người dân tự nguyện đóng góp. Điều đáng nói, cây cầu tạm này có kết cấu chủ yếu bằng tre nứa, gỗ nên dù không bị ảnh hưởng của mưa lũ, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra nếu bất cẩn khi đi qua cầu.
Ông Hoàng Đức Kền, Trưởng thôn Quăn 4 cho biết, chỉ một trận lũ nhỏ là cây cầu đã trôi rồi, thôn lại phải huy động bà con dựng lại để việc đi lại và học hành của các cháu học sinh được thuận lợi. Thôn Quăn 4 đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã và huyện nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố cho người dân trong thôn.
Bình Thuận là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Văn Chấn, địa bàn chủ yếu là đồi núi xen kẽ với hệ thống suối. Địa bàn xã hiện có 8 cây cầu, trong đó có 3 cây cầu đã và đang được cứng hóa còn lại 3 cây cầu treo mặt sắt và 2 cây cầu tạm với cây cầu tại thôn Khe Rẹ đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, chỉ còn duy nhất cây cầu tạm thôn Quăn 4 chưa có kế hoạch xây dựng. Với điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng những cây cầu kiên cố nếu huy động sức dân là rất khó thực hiện được. Mong mỏi có một cây cầu kiên cố để việc đi lại được an toàn, nhiều năm qua, người dân trong thôn cũng như cấp ủy, chính quyền xã Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.
Theo ông Hoàng Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, hệ thống đường xá trong xã đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các cây cầu dân sinh tại các thôn bản. Những năm qua, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và các cấp ngành quan tâm đầu tư đường giao thông và những cây cầu, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn một số cầu tạm dựng bằng tre nứa khiến người dân đi lại rất vất vả và nhiều rủi ro. Chính quyền xã đã đề xuất và kiến nghị nhiều lần với các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư thêm một số cây cầu cứng để nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn. Đặc biệt là cây cầu tạm ở thôn Quăn 4 thường xuyên gặp sự cố, bị nước lũ cuốn trôi.
Với đặc thù của một xã miền núi thuộc diện 135, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, do vậy mong mỏi có được cây cầu kiên cố để góp phần thông thương, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản, đồng thời giúp việc đi lại thuận tiện và an toàn hơn là nguyện vọng chính đáng của bà con thôn Quăn 4.