Để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, người dân mong muốn các cấp chính quyền tỉnh sớm xây dựng phương án di dời đến nơi ở mới an toàn để họ ổn định đời sống và yên tâm lao động sản xuất.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Với điều kiện tự nhiên đồi núi dốc, phức tạp, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, cùng nhiều khe suối, mùa mưa lũ hàng năm tại tỉnh thường xảy ra sạt lở đất, đá tại các bản dân cư, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bản Phô Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu), hiện có 110 hộ gia đình dân tộc Dao sinh sống, trong đó có 39 hộ, với 172 nhân khẩu nằm trong vùng nguy sạt lở. Anh Lù Nam Phương. Bí thư Chi bộ bản Phô Hồ Thầu nhớ lại, giữa tháng 8/2020, trên địa bàn bất ngờ xảy ra một vụ sạt lở đất trong đêm làm một người chết và hư hỏng công trình đường nước sạch, thủy lợi, tài sản của người dân lên tới hàng tỷ đồng. Vụ sạt lở đất đã trôi qua được hơn một năm nhưng với mỗi người dân bản Phô Hồ Thầu cảnh tượng kinh hoàng đó vẫn còn ám ảnh mỗi khi trời đổ mưa.
Bí thư Chi bộ bản Phô Hồ Thầu chia sẻ, vào mùa mưa, các hộ gia đình gần khu sạt lở rất lo lắng, không dám ngủ tại nhà mà ngủ tạm trên lán nương hoặc xuống ở nhờ nhà người thân cho đến khi hết mưa mới trở về. Bà con mong muốn chính quyền sớm tìm địa điểm an toàn để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, giúp đồng bào yên tâm lao động, phát triển kinh tế.
Bà Khoàng Thị Mẩy, 80 tuổi, bản Phô Hồ Thầu lo lắng nói: Gia đình tôi sống ở đây đã mấy chục năm nay rồi nhưng chưa thấy trận sạt lở đất nào kinh hoàng như năm ngoái. Giờ sống ở đây chúng tôi rất bất an, cảm thấy lo lắng, nguy hiểm vì sợ quả núi đầu bản lại tiếp tục sạt lở. Chúng tôi mong Nhà nước có phương án khẩn cấp chuyển bà con đến nơi ở mới an toàn để yên tâm sinh sống.
Cùng chung nỗi lo lắng như bà Mẩy, anh Khoàng A Luận, bản Phô Hồ Thầu bộc bạch, gia đình anh gần khu sạt lở. Mỗi khi trời mưa, cả gia đình lại thấp thỏm lo lắng không dám ngủ vì sợ ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản. Nhất là con trai anh năm nay 13 tuổi, cứ thấy trời mưa là không dám ở nhà mà lên lán nương tạm trú. Anh mong muốn chính quyền các cấp sớm di dời người dân ra khỏi khu vực này, để bà con yên tâm lao động sản xuất.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã Hồ Thầu đã kiến nghị lên các cấp, ngành của tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường khẩn trương xây dựng phương án di dân khỏi vùng sạt lở và quy hoạch, bố trí dân cư ra nơi ở mới an toàn.
Ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, bản Phô Hồ Thầu có nguy cơ sạt ở cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Trước tình hình đó, xã đã tiến hành họp bản, lấy ý kiến của người dân. Toàn bộ 39 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đều có nguyện vọng di dời đến nơi ở mới đảm bảo an toàn. Hiện xã và các cơ quan của huyện Tam Đường đã đi khảo sát, tiến hành lập dự án di dân gửi lên UBND tỉnh và được chấp thuận vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; dự kiến năm 2022, sẽ triển khai di dời toàn bộ 39 hộ dân này ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.
Bản Ma Sang, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có khoảng 80 hộ dân, sinh sống với hơn 460 nhân khẩu. Ở bản này, người Mông cư trú thành 3 nhóm dân cư, trong đó khu trung tâm có nguy cơ sạt lở cao nhất với 61 hộ. Bản nằm dưới chân núi với triền dốc dài 700 mét.
Do tác động của thiên nhiên, năm 2018 , phía sau bản xuất hiện hai vết nứt lớn, tạo thành hai cung sạt trượt xếp chồng lớp lên nhau, khiến 8 hộ dân trước nguy cơ bị vùi lấp. Huyện và xã đã kịp thời hỗ trợ di chuyển các hộ đến nơi an toàn. Trung tâm bản cũng xuất hiện vết nứt kéo dài gần 300m làm nghiêng nhà của 13 hộ dân, nhà văn hóa bản và điểm trường tiểu học, khiến người dân nơi đây thấp thỏm lo âu.
Trưởng bản Ma Sang Lầu A Chứ chia sẻ: Tôi và các hộ dân ở đây rất lo sợ khi các vết nứt ngày càng xuất hiện nhiều, tính mạng, tài sản của người dân đang bị đe dọa. Bản đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và tỉnh, huyện đã khảo sát, chọn được vị trí đất cho nơi ở mới cách đó khoảng 1 km. Tuy nhiên, mặt bằng chưa được làm, do vậy, bà con chưa thể di chuyển. Người dân mong sớm được các cấp chính quyền quan tâm di chuyển về nơi ở mới an toàn để yên tâm sinh sống.
Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Pì Vũ Văn Thân, việc di chuyển hơn 60 hộ dân bản Ma Sang đã được cơ quan chức năng của huyện, tỉnh khảo sát, đánh giá và lập dự án. Về chủ trương, tỉnh đã đồng ý phương án cho bà con di chuyển nhưng do chưa có nguồn san gạt mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng nơi ở mới… nên chưa thể di chuyển. Xã mong muốn Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn sớm quan tâm bố trí nguồn lực để di chuyển bà con ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, để cuộc sống sớm ổn định.
Người dân mong muốn sớm được di dời ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở; tỉnh Lai Châu và các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét, bổ sung kinh phí để đưa đồng bào sống trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Cấp ủy, chính quyền các xã có nguy cơ sạt lở quan tâm tuyên truyền, giúp người dân chủ động theo dõi diễn biến thời tiết cũng như các hiện tượng sạt lở đất, kịp thời phòng tránh.