Vườn hồ tiêu rộng 2 ha gần 20 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Liên tại ấp 5 (xã Thanh Hòa) phát triển xanh tốt và cho năng suất ổn định mỗi năm, nhờ chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững. Bà chia sẻ, gia đình vào xã Thanh Hòa lập nghiệp năm 1987 và gắn bó với cây hồ tiêu gần 35 năm qua. Trước đây, lúc mới trồng tiêu do đất rừng khai hoang màu mỡ, cây phát triển tốt. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, sử dụng chủ yếu phân hóa học liên tục nên đất bị thoái hóa và xuất hiện nhiều mầm bệnh trên cây tiêu.
Bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ: Cây tiêu mang lại nguồn sống cho gia đình trong nhiều năm qua. Cách đây 5 năm, giá hồ tiêu xuống thấp khiến nhiều hộ gia đình đã dần chuyển đổi trồng sang cây khác. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn kiên trì giữ và chuyển sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư. Để tối ưu hóa chi phí sản xuất, gia đình đã tận dụng nguồn phân chuồng giá rẻ tại địa phương ủ với men vi sinh và chế phẩm sinh học, thay thế dần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ngoài ra, toàn bộ diện tích hồ tiêu được gia đình trồng bằng trụ sống để cây phát triển bền vững. Trong vườn, bà Liên luôn để cỏ, tuyệt đối không phun xịt bằng thuốc hóa học. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ nên vườn hồ tiêu phục hồi và phát triển xanh tốt.
“Những năm gần đây, gia đình tôi chủ yếu dùng chế phẩm sinh học, còn phân hóa học chỉ sử dụng với số lượng ít vào thời điểm cần thiết. Nhờ sử dụng phân chuồng kết hợp chế phẩm sinh học, giúp bảo vệ sức khỏe cho người lao động, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất. Trong khi đó, chi phí đầu tư thấp, cách thức sử dụng đơn giản và dễ thực hiện. Năm nay, giá thu mua hồ tiêu tăng cao so với các năm trước đang mang lại niềm vui và động lực cho nông dân tiếp tục phát triển cây trồng này”, bà Liên phấn khởi chia sẻ.
Cũng tại huyện Bù Đốp, gia đình ông Trần Văn Huân ở xã Tân Tiến nhờ sớm chuyển sang hướng canh tác hồ tiêu hữu cơ, nên sản lượng ổn định quanh năm. Vườn tiêu của ông Huân với 1.500 trụ phát triển xanh tốt quanh năm. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 45 triệu đồng/ha/năm, giảm hàng chục triệu so với trước đó.
Ông Huân cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu dùng phân hóa học để bón cây nhưng sản lượng hạt thu về không đều, năm nay được mùa, năm sau lại mất mùa. Sau khi được sự hướng dẫn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nhà ông chuyển sang canh tác hữu cơ. Vườn tiêu phần lớn dùng phân chuồng và vi sinh. Từ khi chuyển sang canh tác hữu cơ khoảng 6 năm, thấy cây tiêu cho trái ổn định, vườn tiêu xanh tươi quanh năm, năng suất khoảng 3 tấn, tiêu ít bệnh "chết nhanh, chết chậm". Quang trọng là năng suất và chất lượng vẫn được duy trì ổn định mỗi năm.
Trên huyện biên giới Bù Đốp, thời kỳ cao điểm diện tích hồ tiêu lên đến hơn 4.000 ha nhưng hiện nay chỉ còn lại khoảng 2.000 ha. Theo kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Thuyên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả thấp nên diện tích hồ tiêu giảm nhiều. Để giúp các vườn tiêu phát triển bền vững, Trung tâm đều xây dựng các mô hình trình diễn, đặc biệt là mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ hàng năm. Việc chuyển đổi canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đã phần nào lấy lại vị thế của cây hồ tiêu. Hiện nay, phần lớn những hộ canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đều có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài và có thể "sống khỏe" từ loại cây này.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhà nông chủ động sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững. Chúng tôi cũng đã xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ với mục đích tuyên truyền và nhân rộng cho bà con học tập, giúp cho các vườn tiêu phát triển một cách ổn định hơn”, ông Nguyễn Văn Thuyên cho biết.
Hiện nay, diện tích trồng hồ tiêu tỉnh Bình Phước hơn 12.878 ha, so với năm 2023 giảm hơn 700 ha. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá tiêu xuống thấp nên một số hộ gia đình giảm chi phí đầu tư chăm sóc dẫn đến tiêu chết hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.