Đây là dịp để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó, đưa ra giải pháp giải quyết hiệu quả những vướng mắc, tồn tại, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân nói chung và cán bộ, hội viên nông dân nói riêng.
Tại hội nghị, nhiều cán bộ, hội viên nông dân đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; đảm bảo an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sáp nhập; kinh phí hoạt động, chế độ chính sách đối với chức danh cán bộ chi hội nông dân ở thôn, tổ phố; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân...
Các vấn đề mà cán bộ, hội viên nông dân nêu tại buổi đối thoại đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy và đại diện các sở, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp trả lời, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân.
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sau buổi đối thoại, UBND tỉnh và các sở, ngành thực hiện nghiêm túc các vấn đề đã trao đổi, thống nhất để giải quyết kịp thời đúng theo các mốc thời gian đã cam kết để trả lời sớm nhất cho cán bộ, hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận sau đối thoại, vận động tuyên truyền để hội viên nông dân đồng thuận và chấp hành.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhấn mạnh, liên quan đến người dân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ tốt nhất cho nông dân phát triển sản xuất. Các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, hội viên nông dân kịp thời tiếp cận với cơ chế, chính sách của nhà nước; rà soát xây dựng các quy định cụ thể đối với các hộ dân thực hiện chuyển đổi trên nguyên tắc tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất nhưng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật...
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn đổi; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc, chỉ đạo hoàn thành việc xét duyệt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành cơ chế bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường, xe quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến đời sống của hội viên, nông dân và người dân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp có giải pháp khắc phục; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; xử lý nghiêm các phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm luật giao thông, nhất là trên các tuyến đường nhân dân phản ánh…