Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đau mắt đỏ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng; các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định.
Theo Sở Y tế Hải Dương, từ ngày 18/9 đến ngày 30/9, Hải Dương đã ghi nhận 3.307 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, chủ yếu là học sinh tiểu học và mầm non. Các ổ dịch mắc rải rác trong toàn tỉnh, không ghi nhận các ca bệnh nặng. Cùng với đó, tính đến ngày 30/9, toàn tỉnh ghi nhận 461 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và các Trung tâm Y tế ở các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương.
Các cơ quan chức năng tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng tại khu vực ổ dịch theo quy định. Các địa phương cũng cần xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng cơ sở vật chất; y, bác sỹ sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao như: Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.
Ngành Y tế Hải Dương khuyến cáo người dân cần đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm theo đau nhức.
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
Các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học; giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt.
Các cơ sở giáo dục cũng tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế để thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch; phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh trường lớp diệt loăng quăng, bọ gậy, rửa mặt bằng nước sạch (không dùng chung khăn mặt), rửa tay bằng nước sạch với xà phòng…
Lãnh đạo các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vụ dịch lớn, phức tạp tại địa bàn…