Theo ông Nguyễn Văn Sang, thương lái thu mua mít Thái tại thị xã Cai Lậy, mít Thái cắt tại vườn giá 47.000 đồng/kg loại I, 43.000 đồng/kg loại II, loại III gần 40.000 đồng/kg. Nếu so với tháng trước, giá mít Thái tăng bình quân từ 15.000-20.000 đồng/kg, tùy theo loại. Trong trường hợp nhà vườn chở mít đến bán trực tiếp tại các vựa thu mua trái cây, giá còn cao hơn.
Chị Dương Thúy Vân, nhà vườn trồng mít tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy phấn khởi bởi vừa bán được 3 trái mít trọng lượng gần 40 kg, thu gần 2 triệu đồng. Chị Vân chia sẻ, thời điểm này đã qua vụ thu hoạch chính trong năm nên rất ít nhà vườn có mít. Nguồn cung không nhiều nên không ít vựa mít tại địa phương phải tạm ngưng hoạt động.
Còn anh Nguyễn Văn Trí, canh tác 6.000 m2 mít Thái tại thị xã Cai Lậy than, lúc mít có giá thì vườn không còn trái trong khi trước đây, vào vụ thu hoạch rộ giá mít giảm xuống tận đáy, có lúc chỉ còn từ 9.000 - 10.000 đồng/kg loại tốt mà không có thương lái thu mua. Anh Trí cho biết, hiện anh đang tích cực xử lý vườn mít cho trái rải vụ với hy vọng khi có sản phẩm sẽ được mùa, trúng giá, thu nhập cao từ vườn chuyên canh.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, thương lái thu mua mít ở thị xã Cai Lậy dự báo từ nay đến cuối năm giá mít Thái có thể vẫn giữ ở mức cao do lượng cung ít nhưng nhu cầu cao. Do vậy, nông dân nên tích cực thâm canh, xử lý rải vụ để có nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường vừa tránh được tình trạng “trúng mùa, mất giá” như thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung, các nhà vườn trồng mít địa phương thời điểm này đang tập trung chủ yếu trong giai đoạn xử lý, chăm sóc phục hồi chuẩn bị cho vụ mít cuối năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh hiện có gần 15.000 ha mít Thái chuyên canh. Diện tích mít Thái tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy.
Loại cây ăn quả đặc sản này thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, vừa tiêu thụ trong nước vừa được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhất là Trung Quốc.
Nắm bắt thời cơ nhiều loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: mít, sầu riêng, thanh long… được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Tiền Giang tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP, nhằm nâng chất lượng nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu gắn với khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nông dân thiết lập vùng chuyên canh, triển khai việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh có trên 8.500 ha mít được cấp mã số vùng trồng, 299 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, mít, xoài, thanh long…. xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Địa phương đang kỳ vọng với nỗ lực đáp ứng tiêu chí xuất khẩu chính ngạch trái cây nói chung, mít nói riêng và trong tương lai, ngành hàng trái cây tỉnh Tiền Giang sẽ phát triển bền vững, giúp nông dân giảm nghèo và tiến tới dựng nên cơ nghiệp.