Nhiều địa phương ở An Giang, Bình Thuận kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, vẫn còn phát sinh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhiều địa phương ở An Giang, Bình Thuận kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Chú thích ảnh
Quốc lộ 91 qua thành phố Long Xuyên (An Giang)  vắng người và phương tiện lưu thông trong tối ngày 23/8/2021. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Theo đó, tỉnh An Giang tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg trên phạm vi 7/11 huyện, thành phố, gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn từ 0 giờ ngày 26/8 đến hết ngày 5/9.
 
Tỉnh cũng áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg kể từ 0 giờ ngày 26/8 đến hết ngày 5/9 đối với các huyện Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu.
 
Chiều 25/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 26/8 đến hết ngày 5/9/2021, mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chỉ bố trí không quá 5 người làm việc tại trụ sở. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định như: công an, quân sự, biên phòng, y tế, dân quân tự vệ... và những lực lượng chức năng chuyên ngành gồm hải quan, quản lý thị trường...

"UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, hoàn thành đúng tiến độ được giao, không di chuyển ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết. Các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Phước nhấn mạnh.

UBND tỉnh An Giang cho phép các cơ quan báo, đài được tác nghiệp, bố trí không quá 20% công chức, viên chức làm việc, phục vụ hoạt động nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền. Lực lượng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh được phép tác nghiệp trong thời gian thực hiện "giới nghiêm" sau 18 giờ hàng ngày để đưa tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh và tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, UBND tỉnh yêu cầu chủ doanh nghiệp bố trí giảm số người làm việc hành chính tại trụ sở đơn vị dưới 20%. Quy định trên không áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh đảm bảo mô hình "3 tại chỗ"; hoặc có tổ chức đưa đón công nhân theo phương thức "1 cung đường, 2 điểm đến".

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính đến sáng 25/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.539 trường hợp mắc COVID-19 và 11 trường hợp tử vong.

* Chiều 25/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thị xã La Gi và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị số 16/CT-TTg với các biện pháp tăng cường cao hơn.
 
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 8/9/2021. Từ 00 giờ ngày 27/8 đến hết ngày 2/9, tỉnh nâng thêm một mức giãn cách xã hội cao hơn so với Chỉ thị số 16 trên địa bàn thị xã La Gi.
 
Cụ thể, tỉnh yêu cầu người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi cư trú, “ai ở đâu thì ở đó”; thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà; tạm dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thị xã trong thời gian 7 ngày nêu trên, trừ các trường hợp: hoạt động trực tại các cơ quan nhà nước, cơ yếu; hoạt động phòng, chống dịch; cấp cứu, cứu hỏa... Các cơ sở sản xuất bảo đảm đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch theo phương án sản xuất “3 tại chỗ” và trường hợp đặc biệt khác do địa phương quy định. Các địa phương quản lý thật chặt người ra đường; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Ủy ban nhân dân thị xã La Gi phối hợp với Sở Y tế khẩn trương hoàn thành kế hoạch xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc xét nghiệm, người tham gia trực tiếp lấy mẫu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian 72 giờ.
 
Ngoài các khu vực vùng đỏ, vùng cam, các khu vực còn lại (vùng vàng, vùng xanh) phải tổ chức xét nghiệm được 2 lần trong 7 ngày cho người dân.
 
Ủy ban nhân dân thị xã La Gi phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân; tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm đến tận nhà cho người dân. Người cung cấp lương thực, thực phẩm phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ...
 
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, mỗi đơn vị cử 20 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ thị xã La Gi phòng, chống dịch từ ngày 26/8 đến hết ngày 8/9/2021. Sở Y tế cử khoảng 30 nhân viên y tế hỗ trợ thị xã La Gi để phòng, chống dịch từ ngày 25/8 đến hết ngày 2/9/2021.
 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tuấn Phong nhận định, giai đoạn 14 ngày sắp tới là thời gian có ý nghĩa quyết định, tăng cường tối đa nhân lực, vật lực hỗ trợ cho thị xã La Gi để quyết tâm khống chế bằng được dịch bệnh, đưa thị xã La Gi trở lại trạng thái bình thường mới.
 
Tính đến trưa 25/8, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.822 trường hợp mắc COVID-19 và 122 trường hợp nghi mắc COVID-19. Tỉnh đã triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi. Các huyện còn lại trong tỉnh đang triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Thanh Sang - Nguyễn Thanh (TTXVN)
Quảng Bình ngăn chặn nguy cơ lây lan khi phát hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng
Quảng Bình ngăn chặn nguy cơ lây lan khi phát hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng

Ngày 25/8, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, đến chiều 24/8, Quảng Bình đã phát hiện một trường hợp F0 trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ liên quan đến cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN