Tuy nhiên, đáng lo ngại là qua theo dõi, ngoài diện tích trên thì toàn vùng hiện có đến khoảng 1.170 ha lúa được nông dân gieo sạ không đúng khung lịch thời vụ gieo sạ tập trung né rầy và né hạn mặn mà địa phương đã khuyến cáo không được xuống giống.
Diện tích trên phân bố rải rác ở các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và thị xã Gò Công. Phần lớn trà lúa này đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu nước bơm tát, bị thiên tai gây thiệt hại rất lớn trong mùa khô 2020 – 2021.
Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn cho biết, trà lúa trên gieo sạ thời điểm sau ngày 15/1, trễ hơn lịch thời vụ xuống giống đồng loạt, tập trung né hạn, mặn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đưa ra khoảng 1 tháng.
Trong khi diễn biến thời tiết, thủy văn trong mùa khô 2020 – 2021 hết sức phức tạp, những ngày qua, ranh mặn từ hạ lưu sông Tiền đã xâm nhập vào tới tận Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang, cách vàm Cửa Tiểu đến 50 km. Do vậy, trà lúa xuống giống không theo khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khó tránh khỏi nguy cơ hạn mặn làm thiệt hại.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp cùng các địa phương trong vùng ngọt hóa Gò Công, các ngành hữu quan... tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tục xuống giống vụ Đông Xuân một cách tràn lan, không theo qui hoạch và không tuân thù lịch thời vụ nhằm tránh nguy cơ thiên tai gây thiệt hại. Những trà lúa đã gieo sạ ngoài kế hoạch, không theo khuyến cáo của ngành chức năng sẽ không được hỗ trợ trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai.
Mặt khác, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân trong vùng ngọt hóa Gò Công giành thắng lợi, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang phối hợp cùng các huyện, thành, thị trên địa bàn triển khai những giải pháp quyết liệt ứng phó thiên tai.
Đặc biệt, vận hành hệ thống các cống đập ngăn mặn, lấy ngọt một cách hợp lý, tăng cường lấy nước bổ cấp vào nội đồng phục vụ bơm tát chống hạn thông qua cống đầu mối Xuân Hòa đồng thời với ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, kiện toàn và tu sửa hệ thống đê bao ngăn mặn bảo đảm sản xuất.
Mặt khác, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng thông báo kịp thời diễn biến xâm nhập mặn và hạn hán cùng những giải pháp cần thiết khác triển khai, thông tin một cách sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân biết, chủ động phòng chống, kiên quyết không để ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2020 – 2021 trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng tiếp tục triển khai Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ các huyện, thị phía Đông" trên tinh thần chuyển những diện tích canh tác đặc biệt khó khăn, xa nguồn nước sang trồng cây ăn quả hoặc các cây trồng chịu hạn, mặn, sử dụng nước tiết kiệm; cắt bớt vụ để đảm bảo mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa năng suất cao hoặc đưa cây màu xuống chân ruộng theo mô hình luân canh lúa cộng màu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa tránh được rủi ro do thiên tai hạn, mặn gây ra.