Tỉnh cũng tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, ngành lĩnh vực theo Chương trình công tác của UBND tỉnh và yêu cầu đảm bảo về thời hạn, chất lượng, tính khả thi.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, năm bắt, cơ cấu lại nguồn thu đảm bảo tính bền vững; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ khá so với kế hoạch, đảm bảo so với tiến độ Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, nhưng vẫn giảm mạnh hơn 11.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường vốn, tài chính, bất động sản của thế giới và trong nước. Nhiều huyện, thị xã, thành phố chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, dẫn đến thu tiền sử dụng đất giảm so với cùng kỳ.
Từ nay đến cuối năm, Cơ quan thuế tăng cường quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, giám sát thường xuyên hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, công trình xây dựng cơ bản vãng lai trên địa bàn... đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời, hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Qua đó, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu, đặc biệt đối với khoản thu từ đất.
Cục Hải quan Thanh Hóa tập trung biện pháp nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu như: tăng cường thu thập thông tin, xác định rủi ro để kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện kiểm tra đột xuất đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về thuế...