Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IX có 56 giải pháp đến từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực như: Nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo… Qua chấm và xét giải, Ban Tổ chức đã lựa chọn 29 giải pháp đoạt giải. Giải Nhất thuộc về giải pháp “Mô hình nuôi cua biển trong hộp ứng dụng công nghệ giám sát và điều khiển từ xa” do Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ, Khoa Thủy sản - Nông nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang làm chủ nhiệm.
Bốn giải pháp đoạt giải Nhì gồm: “Thuật toán lưu trữ trong lập trình môn tin học cấp phổ thông” Trường Trung học Phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt; “Mô hình điều khiển, giám sát hệ thống cung cấp nước sử dụng PLC S7-1200 tại Trường Cao đẳng Kiên Giang”; “Nghiên cứu vận dụng bảng KLEWS vào thiết kế và tổ chức một số chủ đề STEM theo hướng phát triển năng lực sáng tạo của học sinh trong dạy học vật lý lớp 11” và “Điều chế một số chế phẩm từ cây củ cải trắng” của Trường Trung học Phổ thông An Biên. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 9 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các nhóm.
Đối với Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V có 152 mô hình, sản phẩm dự thi với đa dạng chủ đề như: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; đồ dùng sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế sản phẩm thân thiện với môi trường… Kết quả, Ban Tổ chức trao giải Nhì cho 6 mô hình, sản phẩm; 9 mô hình, sản phẩm đạt giải Ba và 19 mô hình, sản phẩm đạt giải Khuyến khích.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IX; đồng thời trao Bằng khen cho 11 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V…
Bà Lê Thị Nhứt, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang lần thứ IX và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V đánh giá cao những giải pháp, sản phẩm, mô hình của các tác giả, nhóm tác giả về ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cũng như góp phần vào việc giải quyết những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Vũ, giảng viên Khoa Thủy sản - Nông nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, chủ nhiệm giải pháp đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh chia sẻ, qua tìm hiểu, những năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu cua biển sang thị trường nước ngoài, cũng như trong nước rất nhiều và loài thủy sản này có giá trị kinh tế cao. Trong khi các mô hình nuôi cua biển truyền thống khó đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Vì vậy, nhóm chọn thực hiện đề tài “Mô hình nuôi cua biển trong hộp ứng dụng công nghệ giám sát và điều khiển từ xa” nhằm đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cua biển theo hướng ứng dụng công nghệ và nuôi an toàn sinh học, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Khi vận hành thử nghiệm nuôi cua cốm (còn gọi là cua 2 da) trong hộp ứng dụng công nghệ giám sát và điều khiển từ xa cho thấy, sau 14 ngày nuôi đã có cua 2 da đạt 30%, tỷ lệ sống đạt 95%. Chất lượng thịt cua rất ngon, chắc thịt”, ông Nguyễn Văn Vũ chia sẻ thêm.
Em Nguyễn Tấn Hiệp, sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang, Chủ nhiệm mô hình “Nhà thông minh” (giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng) cho biết, nhà thông minh sẽ được cài đặt hệ thống vận hành tự động và được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính để điều khiển đóng mở cửa nhà, cổng rào, cảnh báo bất thường, kiểm soát việc rò rỉ khí gas trong nhà, cảnh báo khi có trộm đột nhập, cảnh báo được lưu lượng nước trong bồn chứa...
“Em mong mô hình được ứng dụng trong nhiều ngôi nhà, cơ quan để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, tiện nghi và tiết kiệm thời gian cho mọi gia đình, cơ quan”, chủ nhiệm mô hình “Nhà thông minh” nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai hội thi, cuộc thi đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các trường đại học, cao đẳng với mục tiêu chất lượng. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động hướng dẫn các tác giả tiếp tục nghiên cứu cải tiến, nâng cao giá trị các giải pháp, mô hình, sản phẩm nhằm kết nối với chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Qua đó hình thành hoặc kết hợp với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị hữu ích tham gia vào thị trường.