Cầu Sông Thu khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối tuyến ĐT 609C với Quốc lộ 14 H, hoàn thiện trục giao thông liên vùng, mở ra cơ hội phát triển cho cả vùng Tây Quảng Nam rộng lớn nói chung và Duy Xuyên nói riêng lên tầm cao mới.
Công trình của "Ý Đảng, lòng dân"
Cầu Sông Thu là một trong số những công trình được xây dựng với kỳ vọng mở ra nhiều hướng phát triển mới để Duy Xuyên, Đại Lộc hướng về tầm cao hơn, không chỉ kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, mà còn vươn ra bên ngoài. Nhưng trên hết, sự hiện hữu từng ngày của cầu vượt Sông Thu là một minh chứng rõ nét nhất giữa ý Đảng và lòng dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường luôn đặt nhiều tâm huyết với các công trình mang tính kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đề ra. Giữa tháng 3/2021, ông Phan Việt Cường đã thị sát 3 dự án trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư, gồm đường nối Quốc lộ 14H đi QL14B bến đò Phú Thuận, cầu Văn Ly và đường dẫn, đường vành đai phía bắc Quảng Nam.
Tận mắt chứng kiến sự bất tiện và tiềm ẩn mối nguy hiểm của người dân qua lại trên bến đò Phú Thuận nối giữa hai xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) và Đại Thắng (huyện Đại Lộc), lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nghe báo cáo sơ bộ về luận chứng kinh tế kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: Cầu Sông Thu được xây mới thay thế cho bến đò Phú Thuận chắc chắn sẽ sớm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bởi đây không chỉ là sự đầu tư để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong mùa mưa lũ mà còn là sự tri ân đối với bà con ở miền quê giàu truyền thống cách mạng này.
Có nhà ở gần công trình và có đất được thu hồi cho dự án cầu Sông Thu, bà Nguyễn Thị Dư ở thôn Thu Bồn Tây chia sẻ: "Mong ước lâu nay của người dân là có cây cầu vượt sông Thu Bồn để lưu thông được thuận lợi, an toàn và kinh tế. Vì lợi ích chung của việc xây dựng công trình đem lại, nên mặc dầu trước đây khi chưa nhận được tiền đề bù cho phần diện tích đất làm hoa màu bị ảnh hưởng, song gia đình tôi vẫn đồng ý cho bên thi công mượn đường đi, mượn mặt bằng để tập kết phương tiện, thiết bị máy móc để thi công công trình. Với phần diện tích đất ở gồm hơn 700 m2, gia đình có kế hoạch chia cho con làm nhà ra ở riêng. Tuy nhiên diện tích dự kiến làm nhà ở này đều ảnh hưởng công trình nên các con tôi chắc chắc sẽ vào làm nhà mới tại khu tái định cư. Gia đình tôi sẵn sàng nhường chỗ ở cũ của mình cho công trình, chỉ mong rằng phần đền bù và bố trí tái định cư được thực hiện thỏa đáng để cuộc sống ở nơi ở mới bằng hoặc hơn so với nơi ở hiện tại".
Sự gặp nhau giữa ý Đảng và lòng dân còn thể hiện ngay trong những ngày đầu triển khai xây dựng công trình. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng tâm sự: Người dân xã Đại Thắng nói riêng, nhân dân huyện Đại Lộc và Duy Xuyên nói chung, phấn khởi nhận được tin vui công trình đường nối Quốc lộ 14H đến ĐT 609C, nối giữa các xã vùng Tây Duy Xuyên với vùng B Đại Lộc được khởi công xây dựng. Đây là ước nguyện bao đời của nhân dân hai bên bờ sông Thu Bồn đã thành hiện thật. Công trình còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, liên huyện, phát huy tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương. Việc giao lưu hàng hoá, thương mại, dịch vụ được phát huy tối đa, đời sống kinh tế của nhân dân 2 bên bờ sông phát triển mạnh mẽ, ngày một nâng lên. Khi tuyến đường hoàn thành còn kết nối giao lưu văn hoá giữa vùng đất Duy Xuyên và Đại Lộc, Nông Sơn, Quế Sơn và các địa phương khác của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương.
Vui mừng vì công trình vượt sông Thu Bồn được đầu tư xây dựng, xóa cảnh đò giang cách trở, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh chia sẻ: Cầu vượt sông Thu Bồn và hai tuyến đường dẫn kết nối với Quốc lộ 14H và tỉnh lộ 609C sẽ mở ra cơ hội kết nối vùng Tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc, phát huy khả năng kết nối của mạng lưới giao thông liên xã, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, tạo điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ, kết nối du lịch giữa quần thể Lăng và Lễ hội Bà Thu Bồn là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và du lịch vùng sâu trong đất liền. Trước mắt, địa phương nỗ lực cùng các các cơ quan chức năng triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng theo các quy định của pháp luật, không để người dân bị thiệt thòi, những hộ phải tái định cư sẽ được bố trí chỗ ở mới, đảm bảo nguyên tắc bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ.
Hoàn thiện hạ tầng để phát triển trên tầm cao mới
Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết: Nỗ lực hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối liên huyện, liên vùng là mục tiêu, chiến lược của Duy Xuyên trong hành trình xây dựng và phát triển. Thời gian qua, địa phương đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong 10 năm qua, nhân dân Duy Xuyên tham gia đóng góp gần 362.000 ngày công lao động, hiến hàng trăm ha đất và vật kiến trúc với tổng trị giá hơn 310 tỷ đồng để mở rộng hệ thống giao thông nông thôn.
Nhiều công trình lớn như cầu Hà Tân, cầu Cửa Đại, cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng đã giúp Duy Xuyên từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối với các địa phương trong khu vực để phát triển lên tầm cao mới. Đặc biệt, với việc được đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14H, xây dựng tuyến đường tránh Nam Phước có khả năng kết nối giữa vùng Đông và vùng Tây, nhất là khi công trình vượt sông Thu Bồn được đưa vào sử dụng sẽ tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Duy Xuyên theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, tăng tính kết nối, lan tỏa, tạo thế và lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Duy Xuyên phát triển lên tầm cao mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh chia sẻ.
Thường xuyên có mặt trên công trình để kiểm tra và đôn đốc tiến độ, Giám đốc điều hành dự án, Kỹ sư Nguyễn Hữu Hòa cho biết: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 14H đến ĐT.609C, huyện Duy Xuyên và huyện Đại Lộc có tổng chiều dài 6Km, với các hạng mục chính gồm phần đường dài 5,4km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường bê tông nhựa rộng 8m, là công trình giao thông cấp II, vận tốc thiết kế 60 Km/h. Điểm nhấn của công trình là Cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn. Cầu vượt Sông Thu gồm 16 nhịp Super T dài 699 mét, được xây dựng theo quy mô công trình vĩnh cửu, kết cấu dầm cầu bê tông dự ứng lực, mố trụ bê tông cốt thép. Dự án có tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công trình sẽ được thi công trong thời gian 840 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2024.
Gắn bó với dự án ngay từ lúc sơ khai, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Khu vực phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, với hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn đã chia cắt mạnh. Để mưu sinh, những bến đò như: Đò Trung Phước, Tịnh Yên, Bến Dầu, Phú Thuận đã hình thành. Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, việc các bến đò ngang còn tồn tại không chỉ tiềm ẩn những rủi ra cao mà còn khiến cho giao thông, giao thương kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Vì vậy việc đầu tư hệ thống cầu đường bộ trên các tuyến sông Vu Gia và Thu Bồn là hết sức cần thiết và cấp bách.
Riêng với công trình vượt sông Thu Bồn kết nối Quốc lộ 14H và tỉnh lộ 609C được khởi công xây dựng, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, phục vụ sản xuất của nhân dân, từng bước xóa bỏ các bến đò ngang, mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch phát triển giao thông của tỉnh Quảng Nam. Tuyến giao thông huyết mạch này sẽ là tiền đề mở rộng không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ; tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân; trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung. Giao thông liên vùng phát triển còn mở ra nhiều triển vọng để Quảng Nam kết nối giữa các điểm đến, kết nối các Di sản văn hóa trong hành trình Du lịch Xanh, trong đó đường và cầu vượt sông Thu Bồn sẽ là gạch nối gắn kết giữa các trung tâm du lịch lớn với các Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Lễ hội Bà Thu Bồn - Di sản phi vật thể cấp Quốc gia với các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch vùng sâu trong đất liền Quảng Nam nói chung và Duy Xuyên nói riêng./.