Để có những kết quả tích cực trên, bên cạnh sự nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn thể cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phải kể đến sự chung sức, đồng lòng của bà con Khmer, trong đó có vai trò quan trọng của những vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là những “cánh chim đầu đàn” vững vàng, kiên cường dẫn dắt, hướng dẫn cộng đồng, phum sóc vượt qua khó khăn, thử thách, tiến tới phồn vinh và phát triển.
Vị sư hơn 30 năm “cõng chữ” lên phum sóc
Trong không khí tưng bừng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, chúng tôi có dịp đến thăm Hòa thượng Hữu Hinh, Trụ trì chùa Ghositaram (hay còn gọi là chùa Cù Lao) - một ngôi chùa Khmer cổ của Bạc Liêu nằm tại ấp Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Cái nắng oi ả của mùa khô đầu vụ càng làm nổi bật ngôi chánh điện được xem là đẹp và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hòa thượng chia sẻ, khoảng những năm đầu thập niên 90, Đại đức Hữu Hinh về chùa Ghositaram. Dù ngôi chùa cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chưa đến 3km, nhưng xa xa mới có nhà và việc đi lại chủ yếu bằng xuồng hoặc đi bộ vì chưa có đường bê tông hay lộ nhựa. Đại đức Hữu Hinh khi ấy một mình lần theo các con đường đất, bờ ruộng, quá giang đò qua bên kia kênh xáng Bạc Liêu để dạy chữ, giảng giáo lý ở chùa Đơm Pôn (chùa Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu), rồi trở về xã Hưng Hội làm công việc phật sự trong bổn đạo. Trước nhu cầu học chữ của con em đồng bào Khmer tại xã Hưng Hội, Đại đức Hữu Hinh đã xin chính quyền địa phương được mở lớp, mời thầy về giảng dạy ngay trong chùa. “Ngôi chùa - Ngôi trường” ấy vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay.
Từ mái chùa này, đến nay đã có trên 100 người con xã Hưng Hội bước vào giảng đường đại học và đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị cả trong và ngoài tỉnh; hàng trăm người khác được học cả tiếng Việt phổ thông và chữ Khmer, góp phần nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một tiền đề quan trọng để bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nắm bắt tốt hơn chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, các phong trào, cuộc vận động của địa phương luôn được sự đồng thuận cao.
Hòa thượng Hữu Hinh chia sẻ: “Trong quá trình tu tập, phát triển đạo tại chùa, tôi đã dành hàng chục năm để nghiên cứu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác tôn giáo, dân tộc và nhận thấy nhiều điểm tương đồng với tư tưởng Phật giáo. Đó là: Đại đoàn kết toàn dân tộc, cần - kiệm trong cuộc sống và tấm lòng yêu thương con người. Do đó, vào ngày rằm và 30, mùng 1 hằng tháng, khi bà con phật tử đến chùa trong các dịp lễ, Tết, tôi và các vị sư trong chùa đều răn dạy bà con thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, có như vậy thì mới giúp cho dòng tộc, cho phum sóc, cho xã hội ngày càng phát triển”.
Bên cạnh công tác phật sự cho bà con đồng bào, Hòa thượng Hữu Hinh còn thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Tháng 10/2014, Hòa thượng cùng với Ban quản trị các chùa Khmer xã Hưng Hội phối hợp với Công an xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”.
Đến nay, qua gần 10 năm hoạt động, các thành viên Câu lạc bộ tích cực vận động bà con nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn trong họ tộc, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống và tố giác tội phạm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các hộ gia đình.
Chung tay thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc
Còn tại ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) – một địa bàn giữ vững danh hiệu ấp văn hóa gần 20 năm qua và cũng là một trong những ấp sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tựu đó là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát, tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Phú Đông và sự chung sức, đồng lòng của gần 300 hộ dân tộc Khmer trên địa bàn ấp. Bên cạnh sức mạnh tập thể, không thể không nhắc đến vai trò của các cá nhân tiêu biểu, điển hình là ông Danh Lấp – một lão nông tuổi ngoài 80 nhưng vẫn luôn hết mình vì công việc chung của cộng đồng, phum sóc.
Ông Danh Lấp có thời gian dài làm Trưởng Ban quản trị chùa Sê-Rây Vong-sa Chey-Ya-Ram (chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), giờ đã nghỉ do tuổi cao. Tuy nhiên, ông lại không cho phép mình được nghỉ ngơi mà luôn tâm niệm bản thân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giữ gìn gia đình hòa thuận, làm ăn trúng lúa trúng mùa.
Ông Danh Lấp bộc bạch: “Hồi đó đề xuất thành lập mô hình Tổ dòng tộc tự quản với mong muốn có thể tuyên truyền cho bà con đồng bào thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và của địa phương; cùng nhau làm việc thiện, có ích cho xã hội. Hộ nào có mâu thuẫn, tranh chấp thì chúng tôi đến hòa giải; ai có khó khăn thì chúng tôi gom góp sức người, sức của hỗ trợ. Làm sao để trong dòng tộc mình, trong phum sóc mình không xảy ra vụ việc gì mất an ninh trật tự, vậy mới là nông thôn mới kiểu mẫu”.
Do đó, ông Danh Lấp đã vận động bà con tham gia vào “Tổ dòng tộc tự quản về an ninh trật tự” để chung tay giữ gìn bình yên phum sóc. Được biết mô hình này cũng chính do ông Danh Lấp, khi ấy vẫn còn làm Trưởng Ban quản trị chùa Đìa Muồng và sư trụ trì là Hòa thượng Lý Sa Muôth đề xuất chính quyền địa phương thành lập vào tháng 10/20211. Từ 07 tổ với 746 thành viên tại ấp Vĩnh Lộc, đến nay mô hình này được nhân rộng ở nhiều phum sóc trên địa bàn tỉnh và được Bộ Công an công nhận, nhân rộng trên toàn quốc.
Ngoài Hòa thượng Hữu Hinh và lão nông Danh Lấp, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có rất nhiều vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chư tăng, đồng bào phật tử và bà con nhân dân tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu luôn được quan tâm đặc biệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần. Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt; diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đồng bào đặt trọn niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ cùng nhau thi đua xây dựng cuộc sống, quê hương ngày càng phồn vinh, phát triển.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc như: Hỗ trợ kinh phí sửa chữa lò hỏa táng; hỗ trợ người dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp hè… Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc được giảm đáng kể, hiện toàn tỉnh chỉ còn 808 hộ nghèo chiếm 3,86% (giảm 3,6% so với năm 2022). Đây là những kết quả rất tích cực, khả quan nhờ nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự đóng góp nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ và sự nỗ lực không ngừng của đồng bào, các vị chư tăng Khmer.
Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh mong muốn các vị sư sãi, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với trách nhiệm và uy tín của mình, tin chắc rằng các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer sẽ tiếp tục chung tay cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, góp phần xây dựng phum sóc Bạc Liêu bình yên, phát triển.