Mặc dù đã nỗ lực thoát khỏi huyện nghèo 30a sớm hơn kế hoạch 3 năm, tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ giảm nghèo luôn được huyện Như Xuân xác định là trọng tâm thường xuyên, lâu dài.
Là xã thuộc vùng trũng của huyện miền núi Như Xuân, nhưng hiện nay Bình Lương đã thực sự “thay da đổi thịt”. Những con đường đất gập ghềnh khó đi trước đây nay đã được “cứng hóa”, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại. Những vạt đồi trọc đã được phủ bởi màu xanh trù phú của keo, cam, bưởi… Những nếp nhà tranh, nhà lá đơn sơ đã được thay bằng những ngôi nhà mái ngói kiên cố, nằm nép mình trên những sườn đồi xanh mướt.
Từng là hộ nghèo của xã Bình Lương, với mong muốn thoát nghèo và từng bước làm giàu, gia đình bà Phạm Thị Bình, thôn làng Gió đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm, mộc nhĩ để có thêm thu nhập ngoài nghề chính là nông nghiệp.
Năm 2019, mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ của gia đình bà Bình bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, nhờ sự cần cù, ham học hỏi trong việc chọn phôi giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nấm, mộc nhĩ… mỗi năm mô hình cho thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng; không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ cho 7 đến 10 lao động tại địa phương.
“Được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi từ chương trình giảm nghèo, đã giúp gia đình tôi có sinh kế để phát triển sản xuất. Chính sách đúng, trúng cùng với sự đồng lòng của người dân, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, chính là khâu trọng yếu để người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu…”, bà Bình chia sẻ.
Là một trong những hộ cận nghèo của xã Tân Bình, kinh tế của gia đình anh Lương Văn Thuận chủ yếu phụ thuộc vào đồi, rừng, nhưng hiệu quả không cao. Năm 2019, anh Thuận mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lồng tại hồ Trại Cáo. Sau 2 năm triển khai, đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Thuận thu về từ 200 đến 300 triệu đồng tiền lãi, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Ông Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết, trên cơ sở xác định rõ những lợi thế, xã Bình Lương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,2% năm 2016, xuống còn 3,5% năm 2021.
Ở Như Xuân, những hộ bứt lên làm giàu như gia đình bà Lê Thị Bình, ông Hà Văn Điệp không phải là số ít. Nhờ chú trọng phát triển các mô hình giảm nghèo cho các hộ nghèo vùng khó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... Điển hình như mô hình liên kết hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho nhóm hộ, tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân. Với quy mô ban đầu là 19 hộ, tổng số 62 con bò và 22 con trâu, đến nay đàn trâu, bò đã tăng lên trên 100 con. Hoạt động của mô hình câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo đã giúp nhiều hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích để phát triển kinh tế hiệu quả, như gia đình chị Hà Thị Phước, thôn Chôi Chờn, xã Bãi Trành; chị Nguyễn Thị Hương, thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình…Đó còn là mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân... Qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lê Văn Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân cho biết: Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững đảm bảo an sinh luôn được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2016-2021, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã đạt được những kết quả toàn diện. Năm 2018, Như Xuân là huyện 30a đầu tiên của tỉnh được công nhận ra khỏi huyện nghèo, hoàn thành mục tiêu đại hội trước 3 năm. Phía sau thành tựu đó là hướng đi bền vững, với một đường lối, chủ trương nhất quán, lấy vai trò chỉ đạo của các tổ chức đảng làm định hướng, các tổ chức đoàn thể xã hội làm trọng tâm, người dân là chủ thể…
Giai đoạn 2021-2025, để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3%, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động và chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách các lĩnh vực và các chi, đảng bộ trực thuộc để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Huyện ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo để hoàn thành những mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ mới…