Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội - Trùm phường xoan cổ Phù Đức
Chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, những ngày này, ông Hội và các nghệ nhân, bà con trong phường đang hăng say tập luyện những tiết mục Hát Xoan đặc sắc nhất để chuẩn bị cho chương trình hát Xoan làng cổ được tổ chức từ ngày 25 - 29/4 (tức từ ngày 6 - 10/3 âm lịch), sẵn sàng phục vụ du khách.
Xã Kim Đức, thành phố Việt Trì được xem là “cái nôi” của nghệ thuật Hát Xoan, với nhiều phường Xoan cổ. Toàn tỉnh Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc, thì xã Kim Đức có đến 3 phường là Phù Đức, Xoan Thét, Kim Đái.
Sinh năm 1951, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, Trùm phường Xoan Phù Đức, năm nay đã hơn 70 tuổi vẫn say mê với việc truyền dạy hát Xoan cho các thế hệ sau. Ông cho biết, gia đình ông có truyền thống 4 đời giữ gìn và trao truyền các bài Xoan gốc. Ông được cha mình dạy hát Xoan từ năm 13 tuổi. Nhờ đó, 14 quả cách Xoan cổ sớm được ông thuộc lòng, đồng thời nắm rất bài bản từng nghi lễ. Đến nay, ông cũng đã có hơn 30 năm hoạt động trong việc gìn giữ di sản hát Xoan. Ông cũng truyền dạy hát Xoan cho con trai và các cháu nội, cả gia đình đều tham gia biểu diễn vào các dịp lễ, tết.
Có mặt tại phường Xoan mới thấy được sự tâm huyết, tận tụy của nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội. Ông tỉ mỉ truyền dạy những kiến thức về hát Xoan của mình cho các thế hệ nghệ nhân kế cận. Từng câu hát, cách nhả chữ, kỹ năng múa, gõ phách, đánh trống… đều được ông cẩn thận rèn giũa theo đúng phương pháp truyền thống. Không chỉ vậy, ông Hội còn đóng góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo địa phương để tu bổ, giữ gìn các không gian biểu diễn Hát Xoan và biện pháp bảo tồn Hát Xoan hiệu quả.
Ngoài đảm nhiệm vai trò trùm phường Xoan, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội còn mở các lớp dạy hát Xoan miễn phí tại nhà.
Ông Hội tâm sự: "Từ khi hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi luôn nỗ lực bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ, để đưa hát Xoan lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tôi cùng các nghệ nhân cao niên trong xã hằng ngày tập trung tại nhà để truyền dạy các bài Xoan cổ cho lớp trẻ".
Ông Hội cho biết thêm: "Vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, các phường Xoan cổ ở Kim Đức có nhiệm vụ phục vụ du khách ngay tại đình, miếu để giới thiệu tới du khách thập phương về di sản hát Xoan được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Chúng tôi có trách nhiệm biểu diễn nguyên bản những bài Xoan cổ này, từ giai điệu, lời ca cho đến các bước chuyển động".
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyết - Trùm phường Xoan trẻ tuổi nhất trong các phường Xoan
Sinh năm 1964, trở thành Trùm phường Xoan Kim Đái năm 2018, khi mới 25 tuổi, Nghệ nhân Hát Xoan Nguyễn Văn Quyết là trùm phường Xoan trẻ nhất trong trong số 4 trùm phường Xoan gốc của thành phố Việt Trì. Năm 2022, Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết đã được phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Sinh ra trong gia đình có ông nội là Trùm phường Xoan Kim Đái và bà ngoại là nghệ nhân hát Xoan nổi tiếng trong vùng, lại được sống trong những làn điệu Xoan từ nhỏ, thường xuyên được theo ông nội đi biểu diễn khắp nơi, nên anh Quyết đã sớm trở thành một trong những kép Xoan chính của phường Xoan Kim Đái.
Dù trẻ tuổi, nhưng anh đã có hơn 20 năm tham gia thực hành Hát Xoan và 8 năm làm trùm phường Xoan. Hiện nay anh Quyết đã hát múa nhuần nhuyễn các làn điệu Xoan cổ, nắm vững và trình diễn thuần thục 31 bài hát Xoan cổ, đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Vang, rền, nền, nảy.
Ngay từ năm 2009, anh Nguyễn Văn Quyết đã mở lớp dạy học hát Xoan đầu tiên tại nhà với gần 30 học viên ở đủ mọi lứa tuổi, người nhỏ nhất là 4 tuổi. Từ đó đến nay, anh Quyết đã truyền dạy cho hơn 600 học viên ở khắp nơi trong tỉnh, từ lớp kế cận của các phường Xoan đến giáo viên âm nhạc của các trường Tiểu học, THCS, đến các em học sinh trên địa bàn và những người yêu hát Xoan.
Nhận thức rất rõ việc nắm giữ, thực hành các bài hát Xoan cổ theo nghi thức truyền thống là điều không dễ dàng, nhưng Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết luôn có phương pháp phù hợp với từng đối tượng, giúp họ thêm hiểu về giá trị văn hóa và thêm yêu với điệu Xoan đất Tổ. Nhiều năm liền, anh được mời tham gia giảng dạy cho cán bộ văn hóa, giáo viên âm nhạc, chủ nhiệm các câu lạc bộ hát Xoan trong tỉnh.
Vừa là thầy dạy hát Xoan, anh vừa là người tổ chức các cuộc trình diễn và lưu diễn của phường Xoan đi khắp các đình làng trong vùng; đồng thời biểu diễn hát Xoan cổ tại địa phương để phục vụ các đoàn khách du lịch, các đoàn công tác nghiên cứu.
Anh tâm sự: "Để việc truyền dạy đạt hiệu quả cao, tôi lên lịch học cụ thể để phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học; tuân thủ “giáo án cá nhân” theo quy trình dạy học viên thuộc lời sau đó dạy những động tác múa tay, múa chân cơ bản và sau cùng là dạy trống. Truyền dạy hát Xoan cho người lớn đã khó, công việc này còn khó khăn gấp nhiều lần khi dạy cho các em nhỏ, bởi nhiều em chưa biết đọc, biết viết... Với đối tượng này tôi luôn luôn quan tâm, dành nhiều thời gian, kiên trì dạy các em từng câu hát, từng điệu múa; kết hợp vừa dạy vừa đưa các em đi biểu diễn; tham gia các chương trình, cuộc thi, hội diễn để các em hứng thú và yêu thích hát Xoan hơn".
Nguyễn Văn Tuấn - Nghệ nhân Hát Xoan trẻ nhất tỉnh
Sinh năm 1990, năm 2018, khi mới 28 tuổi, anh Nguyễn Văn Tuấn (khu 8, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) được phong danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan, trở thành Nghệ nhân hát Xoan trẻ tuổi nhất của tỉnh. Khi được phong danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan, Tuấn đã có 16 năm thực hành hát Xoan. Đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm luôn là cảm hứng bất tận trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của Tuấn.
Sinh ra và lớn lên ở phường Xoan An Thái, Tuấn đã may mắn được trao truyền, tiếp thu vốn quý nghệ thuật truyền thống từ các bậc lão niên, tâm huyết giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuấn làm quen với hát Xoan từ bé nên niềm đam mê với hát Xoan cứ lớn dần theo thời gian. Năm 12 tuổi, Tuấn chính thức tham gia vào các hoạt động thực hành, trình diễn, truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá hát Xoan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn vẫn nhớ cảm giác tự hào, xúc động và vinh dự khi được cùng các nghệ nhân lão làng khác tham gia trình diễn mô phỏng cung cấp tư liệu, trình diễn hát Xoan cổ phục vụ công tác nghiên cứu và bổ sung hồ sơ di sản hát Xoan của UNESCO để đưa hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là động lực để những người yêu, đam mê hát Xoan, đặc biệt là lớp trẻ như chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Cùng với các nghệ nhân cao niên khác, Tuấn đã rất nhiệt tình tham gia các buổi truyền dạy hát Xoan cho các câu lạc bộ hát Xoan và hát dân ca Phú Thọ, truyền dạy cho các giáo viên các cấp trong tỉnh nhằm bảo tồn hát Xoan. Tham gia tích cực cho hoạt động truyền dạy thực hành Hát Xoan trong cộng đồng, khu dân cư.
Đam mê hát Xoan, Tuấn đã quyết tâm chọn con đường biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để được cống hiến nhiều hơn cho Hát Xoan. Tuấn thi đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Phú Thọ, hiện tại đã là một diễn viên chuyên nghiệp của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.
Tuấn tâm sự: "Bản thân sẽ tiếp tục đóng góp công sức, niềm đam mê nhiều hơn cho hát Xoan, góp phần truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để gìn giữ nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của đất Tổ Vua Hùng".