Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, toàn tỉnh Gia Lai có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch hơn 80.000 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão thời gian qua, cộng với việc Gia Lai có nhiều diện tích cà phê mới tái canh hoặc già cỗi dẫn đến sản lượng vụ mùa không cao.
Anh Nguyễn Văn Linh, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, cho hay, gia đình anh có 1 ha cà phê, cho thu hoạch 4 tấn nhân khô, giá bán ra thị trường thời điểm này là 32,5 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí phân bón, nước tưới khoảng 60 triệu đồng gia đình anh thu lại được 60 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải là số dư mà do vợ chồng anh tự thu hái rất vất vả, nếu thuê nhân công và tính tiền vay mượn ăn uống trong 1 năm thì coi như lỗ vốn.
Anh Linh cho biết thêm, các diện tích cà phê tại các điểm lân cận, năm nay đều cho năng suất kém, ước tính 80% diện tích bị mất mùa. Người nhà của anh tại một số huyện như Đức Cơ, Chư Sê thông tin, năm nay coi như mất trắng, lỗ trầm trọng vì cây không đậu quả, khô héo.
Không chỉ thiệt hại kinh tế vì mất mùa, những gia đình có diện tích cà phê lớn, cần thu hoạch cho kịp thời vụ lại rơi vào tình cảnh thiếu nhân công khiến một số diện tích cà phê khô quắt trên cành, hoặc rụng xuống gốc do không kịp thu hái.
Bà Trần Thị Hằng, huyện Mang Yang cho hay khi vườn cà phê nhà vừa chín, bà đã đi tìm nhân công xung quanh khu vực như những năm trước nhưng khi đến xem vườn, nhân công chê cây ít trái, khô, hái không lợi công. So sánh với năm trước, bà Hằng cho biết, tiền thu hái năm trước khoán 80.000 đồng/tạ trái tươi nhưng năm nay nhân công đòi lên giá từ 120.000-130.000 đồng/tạ.
Gia đình không có người hái nên bà đành phải thuê nhân công vì thời tiết ngày một nắng nóng, nếu để lại trên cây, cà phê sẽ hao hụt sản lượng. Với chi phí đầu tư phân bón và nhân công năm vừa rồi, bà Hằng lỗ từ 20-30 triệu đồng/ha.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, mùa thu hoạch cà phê các năm trước, tỉnh thu hút 7.000-8.000 lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định.
Năm nay nhân công hái cà phê giảm, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt đã tác động đến thời gian thu hoạch, gieo trồng của các tỉnh đồng bằng. Hàng nghìn lao động phải ở lại quê nhà để khắc phục hậu quả thiên tai và gieo sạ.
Ngoài ra, sản lượng cà phê ở các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng tốt hơn, nên nhân công đến các tỉnh này để hái khoán, cho thu nhập cao hơn.