Xác định rõ những khó khăn, thách thức của thị trường lao động những tháng đầu năm 2023, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2023.
Ngành tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động…
Từ đó, có kế hoạch cung ứng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động, nhất là với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bối cảnh quốc tế, nhưng thị trường lao động, việc làm của tỉnh Ninh Bình đã có những dấu hiệu phục hồi.
Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối cung-cầu lao động. Trong quý I/2023, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vi liên quan tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 1.000 bộ đội xuất ngũ. Việc tiếp cận, thực hiện các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng này khá khó khăn. Tuy nhiên, Trung tâm đã phân công các cán bộ phụ trách, tích cực liên hệ bằng nhiều hình thức, với mong muốn đưa cơ hội học nghề và việc làm phù hợp đến với những công dân mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đặc biệt chú ý tới những đối tượng là lao động bị mất việc làm, giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới, đồng thời tư vấn để họ học chuyển đổi nghề nghiệp. Trong quý I, Trung tâm đã liên hệ, kết nối và giới thiệu việc làm thành công cho 115/130 lao động bị cắt việc làm thuộc Công ty IG Vina.
Là một trong những doanh nghiệp lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch COVID-19 trong suốt nhiều tháng qua, đến thời điểm này, Công ty TNHH Great Global International (KCN Gián Khẩu, Ninh Bình) đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện nay, Công ty đã bắt đầu nhận được đơn hàng lớn, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động ít nhất đến hết tháng 6/2023. Không những vậy, Công ty tiếp tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động để tăng cường cho những đơn hàng lớn.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động đến ngành dệt may Việt Nam, lượng hàng tồn kho lớn. Những ảnh hưởng này bắt đầu từ khoảng giữa năm 2022, do đó đã ảnh hưởng khá lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Theo đó, Công ty chỉ ký được những đơn hàng nhỏ giọt, đủ để cầm cự, duy trì việc làm và giữ chân người lao động. Với mức lương khi chưa tăng ca từ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng, người lao động rất lo lắng. Tuy nhiên, bước vào năm 2023, với việc nâng cao chất lượng sản phẩm; tích cực tìm kiếm, phát triển thị trường mới… Công ty đã dần thoát ra khỏi tình trạng khan hiếm đơn hàng.
Không những vậy, từ sau Tết Nguyên đán, lao động của Công ty làm tăng ca trở lại. Với việc tăng ca, thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể nên đã yên tâm gắn bó với Công ty. Để góp phần cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bản thân mỗi lao động đều tự nâng cao ý thức trong việc đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm; chia sẻ với doanh nghiệp ở những thời điểm khó khăn…
Bên cạnh những doanh nghiệp đã bước đầu vượt qua khó khăn, dần ổn định sản xuất, vẫn còn có những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm… ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Thực tế cho thấy, giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp căn cơ nhất nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hàng nghìn chỉ tiêu việc làm do các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Nhằm kết nối nhà tuyển dụng với người lao động, Phòng Thông tin thị trường lao động của tỉnh Ninh Bình đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, lên kế hoạch tuyển dụng cho các phiên giao dịch việc làm hàng tháng. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối việc làm liên tỉnh để cung cấp thông tin việc làm cho lao động địa phương có cơ hội đi làm việc ở những doanh nghiệp phù hợp với trình độ tay nghề và yêu cầu thu nhập…
Để góp phần phục hồi thị trường lao động trong quý II và những tháng tiếp theo, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối việc làm cho người lao động; chú trọng các giải pháp phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm…
Bên cạnh đó, để thị trường lao động phục hồi và đảm bảo tính ổn định rất cần nhận được quan tâm của các cơ quan chức năng, thúc đẩy từ các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp…