Xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ninh Bình vẫn đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết chủ đề "Ninh Bình xây dựng nông thôn mới” nhằm làm rõ những nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bài 1: Liên kết sản xuất tăng nguồn nội lực
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp và bảo vệ thương hiệu, quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang là xu thế tất yếu. Xác định đây là “chìa khóa” để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động thúc đẩy, hỗ trợ người dân hình thành các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo đà cho xây dựng nông thôn mới vươn lên bứt phá.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân
Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh được đánh giá là đơn vị điển hình của kinh tế tập thể nông nghiệp. Hiện Hợp Tiến có gần 1.200 thành viên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 360 ha. Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Hợp Tiến đã đi đầu trong vận động xã viên dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nhờ đó đã giảm số thửa bình quân/hộ từ 3,88 thửa xuống còn 1,3 thửa/hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm chi phí lao động 250-300 nghìn đồng/sào.
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến cho biết, nhằm đảm bảo cho thành viên yên tâm sản xuất, hợp tác xã đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản tiêu thụ sản phẩm với lượng tiêu thụ từ 300-400 tấn thóc/năm và đang tiếp tục mở rộng, phát triển dịch vụ này. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của thành viên hợp tác xã đạt 65,3 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh, Nguyễn Minh Toàn: Những năm gần đây, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, chuyển từ sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo tín hiệu thị trường.
Ninh Bình hiện có 372 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã, 164 tổ hợp tác, bảo đảm việc làm cho khoảng 6.000 người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thu hút hơn 337 nghìn thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân tham gia. Không chỉ sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Ninh Bình còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khi chủ động tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất từ hoạt động sản xuất đến chế biến sâu sản phẩm nông sản, làm tăng giá trị sản phẩm sản xuất ra và bảo đảm thị trường đầu ra ổn định cho nông sản, hàng hóa. Bên cạnh đó, có không ít hợp tác xã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ thành viên.
Năm 2022 tổng giá trị tài sản của hợp tác xã đạt hơn 3.100 tỷ đồng; thu nhập của người lao động trong hợp tác xã ước đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng; hàng năm tạo hơn 1.000 việc làm mới, nhất là khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Một số địa phương có nhiều hợp tác xã thành lập mới như huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khách, Yên Mô…
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu trong thời gian tới, tỷ lệ hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả đạt từ 70% trở lên, thành lập mới từ 20 - 25 hợp tác xã/năm, tổng số thành viên tăng ít nhất 20%/năm và có 50% số tổ chức kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá.
Liên kết là tất yếu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiều chuỗi liên kết lấy hợp tác xã làm cầu nối để liên kết người dân, doanh nghiệp, bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, nhờ các chuỗi liên kết, sản phẩm nhanh chóng được đưa ra thị trường, phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đến tay người tiêu dùng. Cũng nhờ các chuỗi liên kết, sản phẩm dễ gây dựng được thương hiệu, được quảng bá, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Việc thực hiện hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong các hợp tác xã tỉnh Ninh Bình bước đầu đã có những kết quả nhất định. Toàn tỉnh có 74 chuỗi liên kết với tổng diện tích liên kết hàng năm là hơn 2.700 ha với hơn 122 nghìn tấn sản phẩm đã được cung ứng thông qua các hợp đồng liên kết, giá trị ước đạt hơn 641 triệu đồng. Điển hình như: Hợp tác xã Đồng Xuân Tiến, huyện Yên Khánh ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1 sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa giống với quy mô 200 ha; Hợp tác xã Hợp Tiến, huyện Yên Khánh ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Á Châu (thành phố Tam Điệp) và Công ty Phú Hương (Hà Nội) thực hiện bao tiêu sản phẩm các loại như: ngô, dưa bao tử và khoai tây...
Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, huyện Nho Quan đánh giá, các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Việc tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn được quản lý theo chuỗi sẽ minh bạch được sản phẩm, tăng giá trị từ 15 - 20% so với sản phẩm khi chưa sản xuất theo chuỗi.
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi giá trị, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hoá, nông nghiệp hữu cơ, củng cố phát triển các chuỗi liên kết hiện có và xây dựng mới các chuỗi liên kết đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ngay từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó đều có chính sách, điều kiện liên quan đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra một số huyện, thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua nhiều năm thực hiện các chính sách, hiện nay chuỗi giá trị liên kết 4 nhà ở Ninh Bình đang phát triển khá ổn định.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất và có chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hợp tác xã để các hợp tác xã nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
Với những lợi thế sẵn có, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực góp phần hoàn thành các tiêu chí về tổ chức sản xuất, thu nhập và hộ nghèo trong bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp.
Bài 2: Gắn OCOP với lợi thế nguyên liệu địa phương